Bình Dương ký kết quy chế phối hợp phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 11/4, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, bảo đảm môi trường và thu hút đầu tư có chọn lọc.
Bình Dương hiện được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của khu vực phía Nam. (Ảnh: VSIP)
Bình Dương hiện được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của khu vực phía Nam. (Ảnh: VSIP)

Bình Dương hiện được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của khu vực phía Nam nhờ vào lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ và chính sách phát triển công nghiệp nhất quán. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 3.190 dự án đầu tư vào các KCN, trong đó có 2.509 dự án FDI với tổng vốn hơn 30 tỷ USD và 689 dự án trong nước với tổng vốn trên 95.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đạt 93,77%. Đặc biệt, 100% KCN đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng bộc lộ một số tồn tại, như: thu hút ngành nghề chưa đúng quy hoạch, doanh nghiệp (DN) vi phạm cam kết môi trường, hoặc chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng. Trước thực tế đó, quy chế phối hợp lần này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường và tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Nội dung phối hợp giữa Ban quản lý và các công ty hạ tầng bao gồm nhiều lĩnh vực then chốt: chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo năm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư, trao đổi thông tin hai chiều, tuyên truyền pháp luật về môi trường và kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong KCN.

Ban quản lý sẽ hỗ trợ các công ty trong việc xác định ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển và quy định môi trường, đồng thời cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian xử lý cho DN. Các bên cũng sẽ cùng nhau nghiên cứu và triển khai mô hình KCN sinh thái - một trong những xu hướng phát triển bền vững đang được Chính phủ khuyến khích.

Về phía các chủ đầu tư hạ tầng, trách nhiệm bao gồm tham vấn ngành nghề thu hút đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến hạ tầng kỹ thuật - môi trường, tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết môi trường của các DN thuê đất, cũng như phối hợp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí nhấn mạnh, việc phổ biến và quán triệt quy chế phối hợp cần được triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để bảo đảm tính thống nhất trong thực thi. Đồng thời, ông đề xuất tăng cường phối hợp trong công tác phổ biến pháp luật, nâng cao kiến thức chuyên môn và đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm nhằm định hướng DN phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Trí khẳng định việc phối hợp chặt chẽ trong thu hút đầu tư là yếu tố then chốt để hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của tỉnh, lấy khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng, đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh tế hiện đại như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và văn hóa sáng tạo. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từng bước nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, ông Trí đề nghị các bên cần tiếp tục phối hợp và đồng hành trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN, hướng tới xây dựng các KCN sinh thái, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đọc thêm