Tín hiệu mới trên thị trường vàng

Phải sang tháng 5/2012, những quyết định quan trọng về quản lý  vàng mới có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường vàng đã có những phản ứng tích cực trước các chính sách quản lý.

Phải sang tháng 5/2012, những quyết định quan trọng về quản lý  vàng mới có hiệu lực: Thông tư 11 về chấm dứt huy động và vay vốn bằng vàng (có hiệu lực từ 1/5) và Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng (có hiệu lực từ 25/5). Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường vàng đã có những phản ứng tích cực trước các chính sách quản lý.

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được cho là ngày càng  thu hẹp.
Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được cho là ngày càng thu hẹp.

Giá “thật” hơn, chất lượng rõ ràng hơn

Ngày 18/4, giá vàng miếng SJC ở địa bàn Hà Nội mua vào – bán ra là 42,79-42,89 triệu đồng. Biên độ mua bán là 100.000 đồng. Trong khi đó, mua sỉ của đơn vị này đắt hơn bán lẻ 20.000 đồng chiều mua vào, còn bán ra rẻ hơn 20.000 đồng mỗi lượng khi công bố tại 42,81-42,87 triệu đồng. Như vậy, giá vàng SJC đã xuống sâu khỏi mốc 43 triệu đồng và ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Hiện nay, mặc dù giá vàng liên tục đi xuống nhưng nhu cầu mua vào của người dân đã chững lại. Trong phiên giao dịch hôm qua, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mãi lực khá yếu. Tổng lượng mua và bán của Tập đoàn DOJI chỉ đạt khoảng vài trăm lượng, trong đó khách mua vào và bán ra cân bằng nhau. Tương tự, tại TP HCM, lực mua và bán đều rất chậm.

Như vậy, thị trường vàng trong nước đã có một chuỗi ngày giao dịch trầm lắng. Thị trường không có nhiều “sóng” như trước, hiện tượng đầu cơ cũng không còn thể hiện rõ ảnh hưởng tới thị trường. Hiện tượng trầm lắng không chỉ xảy ra với vàng “phi SJC” mà ngay cả vàng SJC cũng  giao dịch rất kém, ước chừng chỉ khoảng 1000 lượng mỗi ngày.

Theo một chuyên gia, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng được thu hẹp là do tình trạng đầu cơ làm giá đã giảm hẳn.

Bên cạnh các biện pháp siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng, Nghị định 24 cũng mang đến sắc thái mới cho thị trường vàng nữ trang, quyết định chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nghị định 24 nêu rõ rằng các doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải niêm yết giá mua – giá bán đầy đủ, công khai chất lượng cũng như hàm lượng vàng, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mình bán ra. Điều này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường vàng nữ trang và hạn chế tình trạng lập lờ tuổi vàng - một hiện tượng đã tồn tại và gây nhức nhối suốt những năm qua.

Những câu hỏi đặt ra

Từ ngày 1/5, khi Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của NHNN “Qui định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD” có hiệu lực, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải ngưng huy động vàng, không được cho vay vàng và chuyển vàng thành tiền. Tuy nhiên, trước đó từ lâu, ít ra là trong vài tháng nay nhiều NHTM đã chuyển sang dịch vụ giữ hộ vàng với lợi tức trả cho khách hàng không khác gì lãi suất gửi vàng tiết kiệm.

Từ nhận gửi vàng tiết kiệm, các NHTM đang dần chuyển sang giữ hộ vàng có trả lợi tức cao để tiếp tục giữ chân khách hàng. Hiện mức lãi suất gửi vàng qua phát hành chứng chỉ ghi danh ngắn hạn của một số NH lên tới trên dưới 3,5%/năm. Cách thức một số  NHTM  đang làm được cho là nhằm các mục đích: Một, để đối phó với quy định của Nhà nước về cấm huy động vàng; Hai, tăng thêm giá trị tài sản cho ngân hàng trong bối cảnh mà thanh khoản căng thẳng và nhu cầu tăng vốn đang là những áp lực lơn cho các nhà băng thương mại.

Theo một chuyên gia, thực tế, huy động bằng sổ tiết kiệm, bằng chứng chỉ huy động, hay bằng dịch vụ này về bản chất không có gì khác, cũng là cách để các ngân hàng gia tăng thanh khoản.

Một câu hỏi được đặt ra: Sau ngày 1/5, nếu việc huy động vàng  tại các TCTD phải chấm dứt, vàng sẽ được cư xử như thế nào và người có vàng  gửi vàng ở đâu? Thực tế, nhu cầu tích trữ vàng như một tài sản bảo toàn đồng vốn của người dân đã có từ nhiều năm nay. Dù thị trường vàng không còn sôi động, nhưng nhu cầu mua vàng tiết kiệm của người dân vẫn  còn. Chị Trần Thu Hà – một nhà kinh doanh lâu năm trong ngành vàng đề xuất, NHNN cần có hình thức huy động vàng thay vì để người dân cầm vàng chạy tìm chỗ gửi ở các ngân hàng.

Chẳng hạn, Nhà nước có thể phát hành các loại kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng…, nghĩa là phải tạo ra một kênh đầu tư an toàn cho người dân mà không nhất định phải giao dịch bằng vàng vật chất. Đồng thời, thị trường thứ cấp - nơi giao dịch các loại tín chỉ, kỳ phiếu, trái phiếu… này - cũng cần được tạo điều kiện phát triển.

Nguyễn Thành

Đọc thêm