Thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch được người dân hài lòng nhất
Nhìn lại ba năm thi hành Luật, Cục trưởng thấy đã đạt được kỳ vọng này chưa và mong ông chia sẻ một số kết quả mà ông ấn tượng nhất?
- Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2014. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, với nhiều quy định có tính cải cách, đột phá như quy định việc cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền đăng ký hộ tịch; đơn giản hóa về giấy tờ, hồ sơ. Cho đến thời điểm này, tôi đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau ba năm triển khai thi hành Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành và cho rằng Luật đã đáp ứng được cơ bản kỳ vọng giúp người dân thuận lợi khi đăng ký các sự kiện hộ tịch.
Một số kết quả ấn tượng cụ thể là: Thứ nhất, việc xây dựng thể chế hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Hộ tịch; chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Luật, Nghị định, Thông tư có hiệu lực đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, không để tình trạng Luật chờ Nghị định, Thông tư.
Thứ hai, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh phí, cơ chế triển khai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được xây dựng và đưa vào vận hành thống nhất nhưng thực hiện nhiệm vụ Luật Hộ tịch giao, ngành Tư pháp đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có hiệu quả, triển khai được Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để tiến hành cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em được đăng ký khai sinh tại một số địa phương ngay từ ngày 1/1/2016, bước đầu xây dựng và hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Đến nay đã có 51 tỉnh thành và được tập huấn sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, trong đó đã có 42 địa phương chính thức triển khai áp dụng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch, thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền đăng ký hộ tịch.
Thứ ba, thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/NĐ-CP thực sự đã có bước đơn giản thực chất, hiệu quả. Hầu hết các thủ tục đăng ký hộ tịch đều có sự đơn giản hóa, cắt giảm giấy tờ không cần thiết; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến; tăng cường trách nhiệm của công chức làm công tác đăng ký hộ tịch thông qua quy định về trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận, chủ động đối chiếu/chụp lưu giấy tờ do công dân xuất trình, không yêu cầu người có yêu cầu nộp bản sao (có công chứng, chứng thực) phần lớn các giấy tờ là thành phần hồ sơ…
Có thể nói đây là một đạo luật rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của dân và thực tế cũng ghi nhận sự hài lòng của người dân với công tác hộ tịch. Theo Cục trưởng, sự hài lòng đó thể hiện trên những khía cạnh nào?
- Với việc tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ, được người dân, cơ quan, tổ chức ghi nhận, đánh giá tốt. Sự ghi nhận đó được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Một là, chỉ số hài lòng của người dân đối với TTHC, theo Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 (SIPAS 2017) do Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ và Trung ương Hội Cựu chiến binh công bố thì TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp có chỉ số cao nhất trong tám lĩnh vực tiến hành đánh giá. Việc điều tra chỉ số Sipas được tiến hành trên sáu TTHC thuộc chức năng quản lý của ngành Tư pháp, trong đó lĩnh vực hộ tịch có thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, thủ tục đăng ký kết hôn nhận được đánh giá cao nhất từ người dân.
Hai là, tỷ lệ đăng ký đúng hạn các việc hộ tịch cơ bản tại UBND cấp xã (khai sinh, khai tử) tăng dần qua từng năm.
Ba là, số vụ việc liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hộ tịch theo báo cáo của các địa phương và kết quả thanh tra, kiểm tra là rất ít, không có vụ việc bức xúc, kéo dài, phần lớn các kiến nghị của người dân, phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng về vướng mắc trong đăng ký hộ tịch đều được cơ quan tư pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, phương án nhằm cải cách TTHC của cơ quan hộ tịch có tác động tích cực, được người dân hưởng ứng, đánh giá cao (ví dụ như việc triển khai liên thông TTHC: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi; TP Hà Nội triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với một số TTHC trong lĩnh vực hộ tịch; tỉnh Bình Dương tổ chức đăng ký lưu động ngày chủ nhật; TP Đà Nẵng tổ chức thực hiện trao Giấy khai sinh, thẻ Bảo hiểm y tế, Hộ khẩu tại gia đình; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác gửi thiệp chúc mừng khi công dân làm thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn và gửi thư chia buồn khi công dân làm thủ tục đăng ký khai tử...).
Hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0
Là cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương về công tác hộ tịch, Cục trưởng cho rằng đâu là những nội dung mà cấp cơ sở cần lưu tâm để thời gian tới tiếp tục triển khai hiệu quả hơn Luật Hộ tịch?
- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch, các nhiệm vụ có liên quan đến công tác đăng ký, thống kê hộ tịch của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, trong thời gian tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch ở địa phương cần lưu ý, quan tâm một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế công chức làm công tác hộ tịch ở cả cấp huyện và cấp xã; bồi dưỡng, nâng cao năng lực công chức làm công tác hộ tịch địa phương; đặc biệt là việc bố trí kinh phí, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch của địa phương theo quy định của Luật hộ tịch, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1/1/2020.
Thứ hai, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc bố trí cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, kinh phí đào tạo tập huấn công chức sử dụng Phần mềm để kết nối, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, đảm bảo việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch và các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra việc đăng ký hộ tịch tại UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn nhằm nắm bắt những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hộ tịch trên thực tế, phát hiện những sai phạm trong quá trình đăng ký để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, đảm bảo tốt nhất quyền đăng ký hộ tịch của người dân, vai trò quản lý của Nhà nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực hộ tịch. Ngành Tư pháp đã lưu tâm đến vấn đề trên như thế nào để có thể tận dụng sức mạnh công nghệ, tạo được sự bứt phá?
- Để tận dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, phù hợp với tiến độ triển khai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Tư pháp đã triển khai, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm cải cách TTHC, bảo đảm quyền lợi của người dân khi thực hiện các TTHC thuộc chức năng quản lý của ngành Tư pháp. Đối với lĩnh vực hộ tịch, là lĩnh vực có nhiều khó khăn, phức tạp, phạm vi tác động rộng, cần được đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT, do đó, Bộ Tư pháp đã lưu tâm chỉ đạo: Triển khai việc xây dựng Đề án, báo cáo Thủ tướng cho phép phê duyệt Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Sớm triển khai thực hiện xây dựng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, một trong các nội dung quan trọng, cốt lõi của Đề án và nhanh chóng mở rộng phạm vi áp dụng phần mềm.
Với việc ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung giúp tăng cường quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo thống kê số liệu hộ tịch một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời; đồng thời tạo nguồn cung cấp dữ liệu có tính cập nhật cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho việc kết nối với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, thực hiện nhanh chóng, thuận lợi các TTHC cho người dân.
Đẩy nhanh việc triển khai đăng ký một số thủ tục hộ tịch theo phương thức trực tuyến. Chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh việc khai thác, quản lý, sử dụng dữ liệu điện tử, thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Xin cảm ơn ông!