Tín hiệu vui về sản xuất công nghiệp, thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã có những tín hiệu vui về sản xuất công nghiệp, thương mại ngay dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn, tạo tiền đề tốt cho một năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn.
Kim ngạch XNK đạt kỷ lục ngay từ tháng 1. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Kim ngạch XNK đạt kỷ lục ngay từ tháng 1. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục trong tháng 1/2024

Tại buổi gặp mặt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ngay sau Tết của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cho biết những tín hiệu vui về sản xuất công nghiệp, thương mại đầu năm 2024.

Theo đó, Xuân Giáp Thìn năm 2024 đã đến với những khởi sắc ban đầu, tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 1 của ngành Công Thương đã cho thấy những bước chuyển tích cực. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 18,3%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,3%.

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục đạt kỷ lục với bước tăng trưởng 37,7%, trong đó xuất khẩu tăng 42% và nhập khẩu tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong tháng 1, cả nước đã đạt kim ngạch XNK kỷ lục với con số 66,22 tỷ USD và tiếp tục xuất siêu trong tháng 1 đạt 2,92 tỷ USD. Cùng với đó, thị trường trong nước ổn định, cung - cầu hàng hóa được bảo đảm, kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.

Tiếp tục đà tăng trưởng của tháng 1, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các nhiệm vụ sau Tết như: Khẩn trương hoàn thành những công việc bị tạm dừng, chậm tiến độ do nghỉ Tết và những công việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và quy định của pháp luật.

Đồng thời chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ DN phục hồi, phát triển SXKD, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.

Đối với các đơn vị liên quan đến SXKD, XNK, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, điện để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu,… bảo đảm cho quá trình hoạt động SXKD trong cả nước được diễn ra thông suốt; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ đời sống Nhân dân dịp lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Các đơn vị liên quan đến thị trường ngoài nước cần tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XNK. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Hoàn thành đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật

Với các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nhất là việc xây dựng, ban hành và tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Thông tư trong Chương trình xây dựng VBQPPL của Bộ năm 2024 đã được ban hành tại Quyết định 3421/QĐ-BCT, nhất là các VBQPPL có hạn hoàn thành trong quý I/2024 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Văn bản 51/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD) theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát; đặc biệt, Bộ Công Thương phải khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024 một nghị định mới hoàn toàn về KDXD, thay thế cho các nghị định hiện hành về KDXD. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải khẩn trương xây dựng giá điện khí, điện gió, điện mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Ngoài ra, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch ngành Quốc gia (Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu) được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được duyệt năm 2023; cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai các kế hoạch thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Tại Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, bảo đảm hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới" hôm qua (16/2), ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, ngày 15/2, DN Trung An (Cần Thơ) đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Malaysia. Nhiều đơn vị khác cũng đã nhận được đơn hàng của Hàn Quốc đến hết năm 2024. Ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng thông tin tình hình XNK biên giới vẫn đang diễn biến thuận lợi. Thời gian nghỉ thông quan giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết; từ ngày mùng 5 Tết đến ngày mùng 8 Tết thông quan đối với các đơn vị có hợp đồng và từ ngày 18/2 các cửa khẩu trở lại thông quan bình thường. Trung bình thông quan 30 tấn hàng mỗi ngày.

Đọc thêm