Tin lời... bà điên, cả làng hì hục bốc đất bẩn

(PLO) - Ngẫm nghĩ kỹ câu chuyện này, giật mình nhận ra phải chăng đây là một trong những “mẹo” tài tình của cao niên trong làng, nhờ truyền thuyết mà vừa giữ được ao làng, vừa đảm bảo từ nay không ai dám tái lấn chiếm công trình công cộng?.
 Đền Hang Xanh ở Bắc Giang thờ một vị tướng hi sinh trong chiến trận
Đền Hang Xanh ở Bắc Giang thờ một vị tướng hi sinh trong chiến trận
Từ đầu năm 2012, thôn Bình An, xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) có một số người gặp tai nạn thương tâm, một số không may mắc bệnh tâm thần. Thời điểm ấy ao làng bị san lấp lấn chiếm. Một phụ nữ cả ngày ra đền làng mắng chửi, yêu cầu dân làng dùng tay bốc đất, trả lại ao thì làng mới thoát kiếp nạn. 
Cả làng bị “phạt” vì lấp ao làng?
Câu chuyện có lẽ nên bắt đầu từ phong tục gà cúng ở làng đều chết “không toàn thây”: Đầu được cất giấu vào dưới cánh. Bà Lương Thị Thoa (63 tuổi) người trông coi đền Hang Xanh trong làng kể lại, xưa kia vùng đất này có một vị tướng đi đánh trận bị giặc chém gần đứt cổ. 
Vị tướng vẫn cưỡi ngựa đi đến một ngôi chùa ven đường, hỏi thăm người trông coi: “Đầu tôi như vậy liệu sống hay chết?”. Người nhà chùa trả lời, nếu là người trần mắt thịt thì chết, nếu là thần thì sống. 
Vừa nói dứt lời, đầu vị tướng liền rơi xuống đất. Dân làng lập đền thờ Hang Xanh phong ông là thần làng và tuân theo lệ cúng gà, phải giấu đầu gà vào cánh, không cho hở chỗ cắt tiết để thể hiện sự tôn kính viên tướng tử nạn. 
Trải qua thời gian, đền xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1997, dân làng xây lại đền theo vết tích xưa. Ngôi đền mới ba gian không lớn như xưa nhưng bố cục vẫn giữ nguyên: Tạc tượng vị tướng, tượng ngựa sắt, trước cổng có ao lớn là nơi để cho ngựa tắm.
Ao nằm sát mặt đường, lại là đất công “cha chung không ai khóc” nên một số người trong làng tham lam, thuê xe chở đất lấp ao lấn chiếm từ đầu năm 2012. Từ một ao lớn đầy nước, dần dần bị lấp hết, chỉ còn như vũng nước nhỏ. 
Thời gian đó, một phụ nữ từng đổ đất lấp ao gặp giấc mơ kỳ lạ, bị “thần” quở trách nặng nề, làng sắp gặp đại họa. Tình cờ vài ngày sau một người phụ nữ trong làng bỗng tính tình thay đổi, sinh tật nói năng lảm nhảm, thường xuyên ra cửa đền chửi mắng dân làng “ngu dốt, dám lấp mất ao làm “thần” không có chỗ cho ngựa tắm, uống nước”. 
“Muốn giải đại họa này thì cả làng phải dùng tay múc sạch đất, trả lại ao, nhớ không được dùng máy móc”, người phụ nữ này “phán”. 
Chẳng ai thèm để ý những lời của người có dấu hiệu tâm thần. Nhưng gần nửa tháng sau, vài người chở đất đến lấp ao trước đây tình cờ người gặp tai nạn, người đổ bệnh. 
Cao niên trong làng vội bàn họp phương án trừ “hạn”. Cuộc họp hàng trăm người vẻ mặt ai cũng âu lo, quyết định trả lại hiện trạng ao làng như trước.
Ngay hôm sau, cả làng quyên góp tiền bạc, thuê máy xúc, máy ủi về múc đất. Tuy nhiên, không chủ máy nào dám nhận lời vì sợ lời bà điên. Tổng cộng làng đã mời đến chín chủ máy xúc, nhưng đều bị từ chối. 
Gần 2 tháng “trời đày”, dân làng nô nức vét ao
Phương án dùng máy móc không được, người dân nhớ lại những câu mắng chửi của người tâm thần trước đây. Ông Nguyễn Văn Thai, một người trong làng nhớ lại từ cuối tháng 3/2012, cả làng mang theo xô chậu ra trước cửa đền nghe cao niên phân công công việc. 
Ao làng được nạo vét, xây lại khang trang hơn cả trước khi bị lấn chiếm
 Ao làng được nạo vét, xây lại khang trang hơn cả trước khi bị lấn chiếm
“Gia đình tôi bốn người cứ thay phiên nhau ra vét ao, cũng có hôm cả nhà cùng đi. Có buổi đếm sơ qua đã thấy gần 500 người tham gia. Khi ấy thời tiết vẫn khá lạnh, buổi sáng nước vẫn buốt giá mà có những người già gần 80 tuổi cũng hăng hái góp sức”, ông Thai nhớ lại.
Quá trình vét đất trả lại ao cho đền tuyệt nhiên không có máy móc tham gia. “Nếu sử dụng máy thì có lẽ chỉ vài ngày là xong, nhưng dân làng làm bằng tay chân nên kéo dài đến cả hai tháng”, vẫn lời ông Thai. 
Nạo vét xong, ao rộng hơn 100m2, sâu 5m. Tuy không to như xưa kia, nhưng nước luôn đầy ăm ắp và trong xanh, sạch sẽ. Đặc biệt để tránh tình trạng ao bị lấn chiếm, sau khi nạo vét, dân làng còn xây bờ kiên cố, cho dựng một hàng rào sắt vững chắc bao quanh. Làng cũng phân công một người trông coi. Chẳng cần nhắc nhở hay treo biển cấm, người trong làng chẳng ai dại gì dám vứt rác xuống “ao thần”.
Ông Nguyễn Tiến Lựa (62 tuổi) cho biết chuyện cả làng dùng sức người nạo vét ao là có thật. Đúng là trước đó có những vụ tai nạn xảy ra, nhưng lý do thì đơn thuần người lái xe bất cẩn, người uống rượu say. Những người có biểu hiện tâm thần thì trước đó cũng đã mắc bệnh trầm cảm khá lâu. 
“Chính tôi là một trong những người phụ trách, tổ chức kêu gọi dân làng chung tay nạo vét ao, nhưng thực ra đó là cách để gắn kết dân làng đoàn kết, tham gia sôi nổi, có trách nhiệm với những công trình văn hóa của địa phương”, ông Lựa chia sẻ.
 Người làng kể lại, khi vét ao xuống độ sâu 5m, phát hiện một bức tượng đồng nhỏ, hàng trăm viên gạch cổ, được xác định có từ thời Lý và một chỉ vàng. Ban đầu, một thiếu phụ phát hiện chỉ vàng dính vào xô của mình vội giấu đi, nhưng khi đem bán thì không ở đâu mua. Hỏi ra mới biết nguyên do là vì khi đem bán, bà này buột miệng nói là tìm thấy khi nạo vét ao. 
Vì sợ hãi nên các chủ tiệm vàng quanh vùng chẳng ai dám mua lại chỉ vàng còn khao nhau câu chuyện, khuyên thiếu phụ đem trả lại đền, kẻo “mang vạ vào thân”. Chỉ vàng ấy đến nay vẫn được thờ trong đền, không ai dám xâm phạm.