Độc đáo ngôi chùa 20 năm trả nợ đúc tượng ngựa Xích Thố

(PLO) - Hiếm ngôi chùa nào ở Việt Nam có con ngựa được khắc tạc kì công như tại chùa Ông ngựa (còn gọi chùa Ông, miếu Thanh An) toạ lạc tại phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Để dựng pho tượng ngựa, chủ nhân phải bỏ ra số tiền đáng giá mấy lượng vàng, mãi hơn 20 năm sau mới trả hết số nợ, cũng là lúc người tạo lập chùa trút hơn thở cuối cùng
Tượng Quan Công trong chùa
Tượng Quan Công trong chùa
Ngựa Xích Thố, thanh long đao “trấn giữ” cổ tự
Tục xưa để lại, du khách đến chùa Ông ngựa đều cúi đầu luồn qua bụng “thần ngựa” ngay cổng chính lấy may, cầu mong gia đạo êm ấm, con cháu thành tài. Khác lạ so với những ngôi chùa ở miền Nam, chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chùa chiền cố đô Huế, hình chữ “Nhất”, có ba cổng gồm một cổng chính và hai cổng phụ.
Điểm độc đáo khác tạo nên nét riêng cho ngôi chùa như tên gọi, chính là bức tượng ngựa Xích Thố và thanh long đao án ngữ ở cổng chính. Ngựa đúc bằng bê tông cốt thép, dài khoảng 3m, cao 2m. Trên lưng ngựa có gắn yên, chạm khắc văn thư, cổ đeo yếm trong tư thế phóng ngang qua chùa. 
Ông Nguyễn Gia Khánh (63 tuổi), người quản lí chùa cho biết, tượng ngựa cùng thanh long đao dựng đứng kế bên do một nghệ nhân ở tận Thừa Thiên Huế chế tác từ cuối năm 1930. Tám mươi tư năm đã qua, bức tượng chưa hề hư hỏng, chưa phải sửa chữa gì. Từ màu lông nâu đến dáng vóc của tượng ngựa rất giống ngựa thật. Nhiều nơi đến chụp ảnh, vẽ hình mẫu nhưng đều không thể dựng lại tượng ngựa “thần khí” như thế.
Người quản tự ngày nay chính cháu ngoại của người xây chùa, ông lão Trần Hiển Vinh. Khi dựng chùa gần xong, đến phần cổng, cụ Vinh nảy ý tưởng dựng tượng ngựa Xích Thố “trấn giữ” chùa. Vì vị thần được thờ phụng trong chùa là tướng Quan Công. Ngựa Xích Thố và thanh long đao vốn là “bạn đồng hành” và vũ khí của võ quan nổi tiếng lịch sử. 
Tượng ngựa Xích Thố và thanh long đao án ngữ cổng chính chùa
 Tượng ngựa Xích Thố và thanh long đao án ngữ cổng chính chùa 
Đến lúc xây cổng thì vốn liếng cạn kiệt, cụ Vinh chạy vạy vay mượn bạn bè hơn 5000 đồng tiền cũ (thời đó, 1 đồng Đông Dương đổi được 10 franc tiền Pháp). 
Mãi hơn 20 năm sau, cụ Vinh mới trả hết số nợ trên. “Ông ngoại tôi xây cất chùa năm 40 tuổi, cụ mất năm 60 tuổi. Sau khi trả hết số nợ cũng là lúc cụ qua đời. Ước tính ông ngoại mất hơn 20 năm để trả khoản nợ vay mượn chỉ để xây cổng chùa, dựng tượng ngựa Xích Thố. Còn tổng số tiền xây chùa ước tính lớn gấp trăm lần, không nghe cụ kể lại cụ thể”, người cháu cho hay.    
Bức tượng ngựa có số phận khá lận đận. Lúc bấy giờ, thấy ngôi chùa xây cổng bề thế khác thường, tình cờ trùng thời điểm du kích không ngừng đánh tỉa vào các đồn điền cao su nên giặc Pháp nghi ngờ bên dưới bức tượng ngựa chôn giấu vũ khí. Nhiều toán lính Pháp liên tiếp kéo đến đòi “xẻ thịt” tượng ngựa, ông lão vừa phải thuyết phục, vừa phải “lót tay”, những toán lính mới từ bỏ ý định.
Dựng chùa theo nghiệp tu hành
Chùa Ông Ngựa vốn là ngôi miếu nhỏ có tên Thanh An, thờ phụng Quan Vũ từ lâu đời. Trong vùng có dòng họ suốt bảy thế hệ nối tiếp nhau chăm lo nhang khói tại miếu. Đến năm 1920, dòng họ trông nom miếu Thanh An quá nghèo khó, không thể bám trụ lại quê. Nhưng họ rời đi mà để miếu hoang cũng không đành lòng. 
Bấy giờ cụ Trần Hiển Vinh nổi tiếng trong vùng vừa vừa giàu có, lại nhân đức. Ông Vinh vốn làm quản lý đồn điền cao su cho người Pháp nên có “của ăn của để”. Dòng tộc quản lí miếu nghe tiếng cụ Vinh bèn tìm gặp, trình bày ý nguyện mời cụ Vinh đứng ra tiếp quản việc thờ phụng tại đây. 
Mới nghe, cụ Vinh lưỡng lự. Vài ngày sau đó, lúc đang thăm vườn cao su, ông lão bắt gặp khúc gỗ dài gần thước rỗng ruột. Lấy tay lật qua lật lại, ông điền phát hiện bên trong thân gỗ có chiếc hòm gỗ, mở nắp hòm là hai bức tượng Phật. 
Xâu chuỗi câu chuyện tình cờ này với đề nghị coi miếu bữa trước, cụ đổi ý nhận lời chăm lo nhang khói. Từ ngày tiếp quản miếu, cụ Vinh phần vì thành tâm hướng Phật, phần lại có điều kiện kinh tế nên đã trùng tu, xây cất ngôi miếu thành ngôi chùa nhỏ thờ Đức Quan Thánh Đế (tức Quan Công). 
Sau hàng chục lần tùng tu khác, miếu Thanh An được đổi thành chùa Thanh An. Trong lần đại trùng tu năm 1930, từ bức tượng ngựa Xích Thố mới, chùa có thêm tên gọi chùa Ông Ngựa. Cũng từ khi lập chùa, cụ Vinh ăn chay niệm phật, trở thành cư sĩ tại gia. 
Ông Nguyễn Gia Khánh, hậu duệ nối tiếp việc thờ phụng
 Ông Nguyễn Gia Khánh, hậu duệ nối tiếp việc thờ phụng 
Sau khi qua đời, do cụ Vinh chỉ có duy nhất một người con gái nên chức “trụ trì” chùa được truyền lại cho mẹ ông Khánh. Từ năm 2000, ông Khánh nối nghiệp tổ tiên, trở thành người thờ phụng tại chùa. Nối tiếp truyền thống, ông Khánh dành dụm vốn liếng tu sửa lại chùa ngày càng đàng hoàng hơn. 
Kế hoạch “buôn thần bán thánh” phá sản
Tuy đã nâng cấp thành chùa nhưng con cháu cụ Vinh luôn chú trọng giữ nguyên ý nghĩa vốn có của nơi thờ tự, nghĩa là ngôi chùa này ngoài Phật, còn thờ vị thánh là tướng Quan Công. Ngoài ra, chùa còn thờ phụng Đức thánh Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Đặc biệt cụ Vinh đặt thêm án thờ 30 vị anh hùng lịch sử cận đại như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung để tỏ lòng tri ân.
Hàng năm, khách thập phương đổ về khấn nguyện vào dịp lễ, Tết và những “ngày vía” của các vị thần thờ tự tại đây. Lễ tế chính tại chùa nhằm ngày chính vía Đức Quan Thánh Đế 24/6 âm lịch. “Ngày vía” Quan Công lưu truyền từ xưa đến nay và trùng với ngày mà toàn thế giới tưởng nhớ vị tướng tài ba. 
“Tôi đang cố gắng phổ biến cho mọi người biết về điều này cũng như thân thế những vị tướng giỏi của nước ta. Mong muốn rằng du khách đến vãn cảnh chùa có thêm cơ hội tìm hiểu kiến thức lịch sử, nhất là giới trẻ”, ông Khánh tâm niệm. 
Người địa phương bấy lâu nay còn lưu truyền câu chuyện bí ẩn liên quan đến ngôi chùa. Những ngày sau khi cụ Trần Hiển Vinh mới qua đời, trước đó cụ đã nhờ đồng môn trông nom giúp. Vì hám lợi, người này huy động tiền bạc xây dựng một ngôi chùa mới rồi đúc tạc án thờ mới, lên kế hoạch đánh tráo án thờ cổ tại chùa Thanh An nhằm “cướp lấy linh hồn” chiếm dụng tiền du khách cúng dường. 
Tuy nhiên thật kì lạ, khi vị đồng môn cư sĩ lập chùa mới, huy động hàng chục người đến đục khoét, bê án thờ ở chánh điện Thanh An ra ngoài, thì không tài nào nhấc nổi. Bàn thờ cứ như được dính “chết” vào nền bê tông. Sau này sự việc bị phát giác, khi cháu ngoại người lập chùa cùng con cháu đến, xúm tay xê dịch án thờ lại chỗ cũ một cách nhẹ nhàng. 
Ngày Xuân thăm ngôi chùa “Ông Ngựa”, dù vẫn còn những băn khoăn như không biết chùa thờ... thánh là đúng hay sai, nhưng cũng thấy một thoáng thú vị vì những câu chuyện độc đáo quanh ngôi chùa “độc nhất vô nhị”.,.

Đọc thêm