Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xây dựng đề án cụ thể về việc thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu gạo; đồng thời chủ trì, lấy ý kiến góp ý của các Bộ, địa phương liên quan để hoàn thiện đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 16/12/2013, VFA và đại diện 13 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ký Biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trên cánh đồng mẫu lớn.
Theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, VFA và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng phối hợp sản xuất và xuất khẩu gạo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tương ứng với 13 tỉnh sẽ xây dựng thành 13 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô 500 - 1.000ha, có thể mở rộng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo cam kết, VFA sẽ đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đảm trách cung ứng vật tư đầu vào, đặt hàng nông dân giống lúa cần cho xuất khẩu; đồng thời cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tổ chức hệ thống thương lái, làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu.
Cục Trồng trọt đảm trách việc kiểm tra các quy trình sản xuất, phối hợp với các bên xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lo quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, giám sát thực hiện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp.
Ý kiến chỉ đạo đầu năm mới của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thực sự là tin mừng đối với bà con Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhà nông cả nước nói chung. Người dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa, doanh nghiệp mang sản phẩm từ đồng ruộng quê hương bán khắp toàn cầu, đó là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi. Nhưng thực tế nhiều năm qua ai cũng cũng thấy, đằng sau danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đời sống của những người trực tiếp làm ra danh hiệu ấy còn quá bấp bênh, mà nguyên nhân, một phần vì chính các “đối tác” doanh nghiệp.
VFA "mang tiếng" là Hiệp hội Lương thực, nhưng thành viên của nó đa phần chỉ là những công ty thương mại, gần như không có tiếng nói của nông dân. Họ chi phối giá mua lúa và định đoạt giá xuất khẩu, phòng họp của họ không có ghế cho nông dân. Nói thẳng như Tiến sĩ Lê Đức Thịnh - Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đó là “hiệp hội của mấy ông buôn”.
Gọi là hiệp hội, nhưng thực quyền của VFA lại nằm trong tay lãnh đạo của hai tổng công ty lương thực. Hai tổng công ty thống lĩnh thị trường hay chưa thì còn phải mang ra “xử” theo Luật Cạnh tranh, nhưng rõ ràng quy luật thị trường luôn đối diện nguy cơ bị bóp méo, lưu thông lúa gạo thường xảy ra bất ổn, gây bất bình trong nông dân.
Như PLVN đã đề cập trong loạt bài “Hiệp hội Lương thực tự lấy đá ghè chân?”, năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước đã lần đầu cho thấy khoản thu nhập “phản cảm” của các sếp tại hai tổng công ty lương thực “đầu tàu” này.
Theo Kiểm toán, thu nhập của lãnh đạo Tổng Công ty Vinafood 2 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng; nhân viên khối văn phòng cũng tới 32,9 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo bên Tổng Công ty Vinafood 1 cũng không kém là bao, khi thu nhập tới 56,5 triệu đồng/người/tháng; khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng. "Đút túi" gần 1 tỷ đồng/sếp/năm, con số quả là trong mơ đối với phần đa đồng bào còn lại, đặc biệt là đối với nông dân. Nếu tính giá mua lúa khô tại ruộng xông xênh khoảng 5.200 đồng/kg, mức lương mỗi sếp như vậy mua được gần 200 tấn lúa.