Nông dân “trắng tay” vì những quyết định khó hiểu của tỉnh Hưng Yên

Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Báo Pháp Luật Việt Nam, người nông dân Phạm Năng Dũng ở xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên cho biết trang trại của mình đã bị UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi từ năm 2010, trước thời hiệu hết hạn thuê đến 2 năm. Và đến bây giờ, anh cũng chưa nhìn thấy bản Quyết định của UBND tỉnh. Đi sâu vào tìm hiếu, nhóm phóng viên đã phát hiện rất nhiều sự lạ của những Quyết định cũng như Thông báo này.

Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Báo Pháp Luật Việt Nam, người nông dân Phạm Năng Dũng ở xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên cho biết trang trại của mình đã bị UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi từ năm 2010, trước thời hiệu hết hạn thuê đến 2 năm. Và đến bây giờ, anh cũng chưa nhìn thấy bản Quyết định của UBND tỉnh. Đi sâu vào tìm hiếu, nhóm phóng viên đã phát hiện rất nhiều sự lạ của những Quyết định cũng như Thông báo này.

Công ty Hà Thanh đổ rách thải bừa bãi xuống ao cá nhà anh Dũng
Công ty Hà Thanh đổ rách thải bừa bãi xuống ao cá nhà anh Dũng

Từ một điển hình về mô hình trang trại hiệu quả

Quay ngược về quãng thời gian hơn 10 năm trước ở xã Đại Tập. Khi đó khu ao hồ Tai Máng còn là mảnh đất hoang vu đầy những ao, hố do trước đó đã bị người dân khai thác đất làm gạch và đổ phế thải xây dựng.

Chàng thanh niên Phạm Văn Dũng cùng người vợ trẻ bỏ qua mọi lời can ngăn của cha mẹ, làng xóm mạnh dạn đứng ra đấu thầu khi UBND xã tổ chức. Kết quả là vợ chồng anh đã trúng thầu khu đất với thời hạn 5 năm, với cái giá được đưa ra là 80 triệu đồng mỗi năm đóng cho ngân sách.

Để lo đủ số tiền “khổng lồ” này, đôi vợ chồng trẻ đã vét đến những đồng tiền cuối cùng trong nhà và đi vay bà con họ hàng. Rồi từ những ngày đó, vợ chồng cùng đứa con mới lẫm biết đi ra dựng căn lều tạm ở khu hồ bắt tay vào sản xuất.

Nhớ lại những ngày đó, anh Dũng rùng mình chia sẻ: “ Vợ chồng tôi cũng liều, tiền thì ít, con còn nhỏ, vùng này thì nhiều ao, hố, lắm rắn rết lại dám mò ra đây. Thế nhưng chúng tôi thấy tiềm năng của mảnh đất này nếu biết cách khơi dậy, với lại chẳng còn con đường nào khác để thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình nên phải cố gắng thôi.”

Rồi từ đó, hai vợ chồng trần lưng suốt ngày lặn lội dưới ao ke bờ, đắp đập, tìm từng viên gạch, đánh từng xô vữa để xây chuồng trại. Màu xanh dần hiện bóng trên khu hồ Tai Máng sau bao mồ hôi, công sức đổ xuống của gia đình anh.

Một mô hình khép kín theo kiểu VAC dần dần trở thành hiện thực. Ở dưới ao hồ được thả đầy cá các loại. Trên bờ, anh tận dụng những mảnh đất ven  trồng hàng loạt giống cây cảnh quý hiếm như sanh, si…. Khu chuồng trại chăn nuôi với lợn, gà, vịt lên đến hàng nghìn con được hai vợ chồng quy hoạch gọn gàng, khoa học.

Chuyện làm mô hình trang trại hiệu quả của người nông dân Phạm Năng Dũng trở lên như một điển hình trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả ở tỉnh Hưng Yên. Nhiều cơ quan, ban ngành đã biết đến trang trại của anh.

Đến năm 2007 khi thời hạn thuê đất lần thứ 1 đã hết, anh Dũng tiếp tục thực hiện thủ tục gia hạn thuê tiếp lần 2 với thời gian từ năm 2007 đến 1 tháng 9 năm 2012.

 Năm 2009, anh nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan từ xã, huyện, tỉnh giúp đỡ, lập mô hình dự án: “Chăn nuôi lợn ngoại cung cấp giống và xuất khẩu” thuộc chương trình nạc hóa đàn lợn, sinh hóa đàn bò của tỉnh Hưng Yên.

Tuy dự án sau đó không thành hiện thực do không vay được vốn nhưng điều đó cũng cho thấy tính cách dám nghĩ, dám làm và sự ủng hộ của xã hội, chính quyền với người nông dân này.

Đến nguy cơ “trắng tay” về một quyết định

Tuy nhiên, sự đời mấy ai thay đổi được sự phá sản của một trang trại đang ăn lên làm ra bởi một thông báo, một quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Trong thông báo số 337/TB-UBND về việc Thu hồi đất tại xã Đại Tập để thực hiện dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vật liệu Hà Thành của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hà Thành (sau đây xin được gọi tắt là Hà Thành) do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc kí ngày 27 tháng 7 năm 2010, chúng tôi phát hiện không ít chuyện “lạ kì”.

Cụ thể, trong nội dung thông báo có nêu căn cứ vào Tờ trình số 427/TTr-STNMT ngày 16/7/2010 nhưng điều “lạ” khác trước đó là ngày 13/7/2010 trong công văn số 1201/UBND-KTTH của UBND tỉnh đã có điều chỉnh diện tích đất dự án của công ty Hà Thành.

Anh Dũng bức xúc cho biết, suốt một thời gian dài gia đình không biết chuyện gì khi khu đất mình đang còn trong thời gian sở hữu bị ra Thông báo thu hồi. Anh cho biết đã nhiều lần lên UBND xã đề nghị cung cấp văn bản, nhưng chưa bao giờ được tiếp cận.

Có lần, ông chủ tịch xã Phạm Khắc Thưởng chỉ cầm đống giấy lên hua hua nói đây là Quyết định, rồi Thông báo thu hồi đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty Hà Thành nhưng kiên quyết không cho anh xem.

Thậm chí, mới đây nhất anh còn nhận được lời “mời” của ông Chánh án Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu vào ngày 5 và 13/6/2013 khi chưa biết nguyên đơn khởi kiện là ai và dĩ nhiên chưa có Quyết định thụ lý tranh chấp.

Chiều 14/7/2013, phóng viên có mặt tại trụ sở UBND xã Đại Tập. Tiếp chúng tôi là phó chủ tịch Dương Văn Xuất. Sau đề nghị của phóng viên, rút cục ông Phó chủ tịch cũng cung cấp QĐ số 1108/QĐ-UBND tỉnh Hưng Yên về việc thu hồi đất tại xã Đại Tập giao cho công ty Hà Thành.

Tuy nhiên, ngay trong bản Quyết định này cũng chỉ nêu chung chung là thu hồi 48.580m2 đất do UBND xã quản lý mà không nêu rõ cụ thể ô, thửa, hồ sơ địa chính như thế nào. Chợt nhớ tới khu trang trại của anh Dũng nằm bên ngoài chỉ cách mấy chục bước chân là con đê sông Hồng (công trình đặc biệt của Quốc Gia), không biết khu đất do UBND tỉnh cấp cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất gạch có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh đê điều không? (Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại trong thời gian tới).

Xem kĩ Quyết định, chúng tôi thấy thiếu điều gì đó. Hóa ra Quyết định thu hồi đất do đồng chí Phó Chủ tịch xã đưa cho thì Quyết định về điều 1, điều  2 đều thiếu các khoản nhỏ thi hành. Đến riêng điều 3, các cơ quan, đối tượng thi hành, thực hiện Quyết định là đầy đủ. Phải chăng đây lại là do lỗi khách quan, do sơ xuất của nhân viên hay tại cái máy in thiếu hay còn vì lý do nào khác?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lên phương án đền bù, lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định của pháp luật với trường hợp trang trại anh Dũng, ông Phó chủ tịch cũng chưa cung cấp được văn bản cho chúng tôi.

Suốt một thời gian dài, đất đai luôn là một lĩnh vực nóng bỏng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nông thôn. Vậy nên việc minh bạch trong lĩnh vực này càng phải được chú trọng hơn nữa. Khi mọi việc chưa được giải quyết dứt điểm Cty gạch Hà Thành vẫn ngày đêm đổ thải xuống ao cá của anh Dũng gây những tổn thất cho trang trại anh Dũng.

Vợ chồng người nông dân này bức xúc nói: “Nếu giải quyết hợp tình hợp lý, đền bù thỏa đáng, đúng pháp luật chúng tôi sẽ trả đất cho Nhà nước. Trong lúc chưa giải quyết xong Cty kia cứ phá hoại thế sao chúng tôi chịu được. Chúng tôi nhịn lắm rồi nhưng con dun xéo mãi cũng quằn”.

Đề nghị các cấp chính quyền Hưng Yên cần giải quyết vụ việc này một cách có tình, có lý vì quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân, tránh gây ra những hậu quả xã hội không đáng có.

Nhóm PV

Đọc thêm