Tin ở hoa hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như thời hoàng kim của báo giấy, thói quen đọc báo, ăn sáng, cà phê đã thành một nếp văn hóa ở nhiều thành phố lớn… thì nay, ngay Hà Nội, chỉ còn vài sạp báo luyến lưu, bán cho “đỡ nhớ” mà thôi…
Sạp báo Hàng Trống, sạp báo Phan Đình Phùng, một trong những sạp báo đầu tiên thời hoàng kim của báo in ở Hà Nội.
Sạp báo Hàng Trống, sạp báo Phan Đình Phùng, một trong những sạp báo đầu tiên thời hoàng kim của báo in ở Hà Nội.

Thế nhưng, dù những thay đổi của thời đại công nghệ đang đi sâu vào đời sống của chúng ta, dù những sạp báo dần dần vắng bóng, nhưng tình yêu của độc giả dành cho báo giấy vẫn còn nguyên ở đó…

Còn đó những người… yêu báo giấy

Sáng nào cũng vậy, anh Trần Văn Hùng (Ba Đình - Hà Nội) lại chạy xe máy lên sạp báo Hàng Trống mua đúng 1 tờ báo mà mình thích như thói quen cà phê sáng trong những ngày bình thường. Anh bộc bạch: “Ngày nay, báo điện tử được nhiều người đón đọc vì sự tiện lợi và nhanh chóng, nhưng với những người mê đọc báo giấy thì vị trí của tờ báo không có gì thay thế được. Mỗi buổi sáng, tôi cũng như nhiều khách hàng vẫn chờ đợi những thông điệp sâu sắc từ tờ báo giấy”.

Thông thường, cứ 6h sáng, các sạp báo giấy khu vực xung quanh Hồ Gươm đã ngập tràn các đầu báo mới. Đây cũng là thời điểm những độc giả trung thành với báo in tìm đến “món ăn” tinh thần quen thuộc không thể thiếu hàng ngày. Anh Ngọc Anh (Giảng Võ - Hà Nội) cho rằng: “Đọc báo giấy vẫn có những điểm đặc biệt, những thông tin mà đôi khi báo điện tử chưa đầy đủ. Trước đây cứ sau bữa cơm là gia đình tôi lại đọc báo. Cứ sáng dậy uống trà là phải có tờ báo bên cạnh. Đó là thói quen rồi. Dù báo điện tử đọc lúc nào cũng được nhưng báo giấy thì không. Đọc báo giấy có cái thú vị riêng của nó. Những tin tức chính luận trên báo giấy cụ thể hơn báo điện tử”.

Anh Lê Sĩ cho biết: “Tôi thích đọc sách, đọc báo giấy chứ không thích đọc trên mạng, trên mạng chỉ đọc lướt thôi. Ví dụ như hôm nay ngày chủ nhật, có nhiều nội dung văn nghệ viết sâu, đọc thích hơn”. Dù những thay đổi của thời đại công nghệ đang đi sâu vào đời sống của chúng ta, dù những sạp báo dần dần vắng bóng nhưng tình yêu của độc giả dành cho báo giấy vẫn mãi không thay đổi.

Anh Hải cho biết, mẹ mình năm nay đã 85 tuổi và bà có thói quen đọc báo từ nhiều năm nay. Mặc dù con cái cũng sắm cho bà chiếc điện thoại thông minh nhưng bà không thích đọc báo trên mạng mà vẫn giữ thói quen đọc báo giấy hàng ngày. Thế nên hàng ngày anh Hải ra sạp báo mua cho mẹ mình một tờ báo. Bà bảo đọc báo giấy dễ nhìn, dễ đọc.

Nếu ngày nay, thế hệ Gen Z phần lớn chỉ biết tới mạng ảo thì trước đây, ông bà, bố mẹ hay thậm chí là anh chị cách biệt họ chỉ tầm 5 hay 6 tuổi thì cả một miền ký ức của họ là mỗi ngày được cầm trên tay một tờ báo rõ ràng thơm nức mùi giấy in, mùi mực “nóng hổi” mà đôi khi cầm vội, vẫn còn lem một chút mực trên tay.

Với ông bà, bố mẹ, những tờ báo như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an, Văn nghệ, Pháp luật, Văn nghệ quân đội… là cả một không gian thấm đẫm đời sống văn học nghệ thuật chan chứa xúc cảm. Còn gần hơn thì cả thanh xuân của họ gói gọn trong mấy số Mực tím, Hoa học trò, Nhi đồng,... Ở họ đều có chung một cảm giác đó là sự hồi hộp, nôn nao khi ngồi lật từng trang giấy, rà từng hàng chữ để đọc bằng hết những thông tin, kiến thức vô giá, những tác giả quen thuộc. Đó là thứ cảm giác mà chúng ta sẽ không bao giờ có được từ việc cầm smartphone trên tay…

Có rất nhiều độc giả đã lưu trữ nhiều số báo, tạp chí và đóng lại thành quyển. Đặc biệt những số báo nhân ngày giải phóng Thủ đô, giải phóng miền Nam, Ngày Quốc khánh hay các số báo Tết… họ coi như báu vật vậy. Chị Hồng Hải (Tây Hồ) kể: “Giáp Tết, cựu bố chồng gọi điện tha thiết tìm cuốn Tạp chí Truyền hình số Tết, hỏi khắp nơi không có. May mình chạy ra sạp báo Hàng Trống, mua gửi về quê cho ông nội con bé! Thật mừng như bắt được vàng!”…

Thời đó, không chỉ bạn đọc mong ngóng từng số báo mà cả những người làm nghề cũng mong chờ “đứa con” tinh thần của mình hàng tuần, hàng tháng xem nó thế nào, hồi hộp lật từng trang xem có sơ sót gì không. Sau khi báo phát hành, có khi phải bỏ tiền túi ra để mua tặng nhân vật, bạn bè của mình. Rất nhiều tên tuổi trong làng báo hiện nay, thời sinh viên thường hồi hộp chạy đến các sạp báo để tìm những bài viết của mình, tên mình thơm tho trên những trang báo thơm mùi giấy mực…

Không chỉ là hoài nhớ

Với nhiều người Hà Nội, hình ảnh các sạp báo nhỏ trên hè phố Hàng Trống, Phan Huy Chú, Phan Đình Phùng, bưu điện bờ Hồ…, từng rất thân thuộc và là một phần của Hà thành. Thế nhưng, những sạp báo có tuổi đời hơn 40 năm này lại đang đối mặt với nguy cơ biến mất. Khi công nghệ đi vào đời sống và thời đại bùng nổ của internet bắt đầu, thói quen đọc của người dân cũng dần thay đổi. Độc giả được cập nhật tin tức, sự kiện tức thời với những hình ảnh và video sống động được cập nhật từng giờ, từng phút. Lâu dần, những tờ báo giấy không còn là ưu tiên số một và nhiều cơ quan báo chí buộc lòng phải giảm lượng phát hành. Các sạp báo dần biến mất, những người bán báo dạo chuyển nghề…

Còn nhớ tờ báo đầu tiên của Bắc Kỳ - Đại Nam đồng văn nhật báo, ra mắt số thứ nhất vào ngày 30/8 năm 1891. Nhưng phải đến đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, báo in mới có bước phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội nhờ lực lượng học sinh, sinh viên, quan chức Tây học sử dụng thành thạo tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Nhiều tòa soạn báo tư nhân ra đời, cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực cung cấp thông tin.

Theo đó, ngay từ năm 1933, thành phố Hà Nội khởi động dự án xây dựng một số ki-ốt cố định để quảng bá sách báo in trong nước và nhập khẩu từ hải ngoại. Danh sách 25 ki-ốt ban đầu bao gồm các vị trí trung tâm như góc phố Hàng Than, đoạn giao phố Hàng Khoai và phố Hàng Giấy, đại lộ Carnot (Cửa Bắc)… Có thể nói, đây chính là diện mạo sơ khởi của những sạp báo tại Hà Nội…

Tới những năm 90, báo in lúc này trở thành phương tiện thông tin độc tôn, dễ tiếp cận và nhanh chóng nhất để đưa thông tin đến tay độc giả. Các sạp báo tại Hà Nội cũng bước vào thời kỳ hoàng kim với số lượng bán ra lên tới hàng nghìn bản trong ngày. Trong trí nhớ của ông Vũ Mạnh Cường, chủ một sạp báo trên phố Hàng Trống, cách đây vài thập kỷ nghề bán báo còn phát triển rất mạnh, bất kỳ góc phố nào cũng có một sạp báo. Không chỉ có các sạp cố định trên vỉa hè, mà trước đây Hà Nội vẫn còn nhiều người làm nghề rao báo dạo, tiếng rao báo từ những người đạp xe len lỏi trong các góc phố, con ngõ đã trở thành một phần ký ức thân thương của nhiều người Hà Nội.

Bà Lê Thị Kim Dung (Hàng Trống, Hà Nội) còn nhớ chỉ 10 - 15 năm trước, trong những mùa tuyển sinh đại học, bài giải đề thi được lồng vào bên trong tờ báo dày cộm mà từ thí sinh đến phụ huynh đều dậy sớm để mua. Mùa SeaGames, Euro cho đến World Cup hoặc khi xảy ra Chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ đánh Iraq (9/1/1991), các tờ nhật báo còn ra thêm tờ tin nhanh phát hành lúc 5 giờ sáng hay tờ tin buổi chiều, đời sống báo chí rất sôi động…

Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam năm 2009, riêng Hà Nội có đến hơn 60 đại lý và khoảng 700 sạp báo lớn nhỏ. Nhưng đến năm 2017, cả Thủ đô chỉ còn khoảng 60 sạp, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân. Con số này đang tiếp tục giảm nhanh sau hơn hai năm đại dịch COVID-19.

Có thể nói, bất chấp những khó khăn do thời cuộc thay đổi, các chủ sạp báo vẫn cần mẫn bám trụ trên vỉa hè Hà Nội từ sáng sớm cho tới tối muộn. Họ làm vậy có lẽ không phải vì gánh nặng mưu sinh, mà thực tâm xuất phát từ mong muốn tri ân những độc giả một đời gắn bó với báo giấy, lưu giữ những ký ức văn hóa không bao giờ phai nhạt theo thời gian...

Điểm đọc báo công cộng của báo Hà nội mới, Hàng Trống… hiện nay, bên cạnh những người tìm đến để cập nhật tin tức, nhiều người trẻ coi điểm đọc báo này là nơi chụp ảnh ưa thích. Đó là một trong những điểm check-in không thể bỏ qua khi tới Hà Nội…

Báo in và sức sống riêng có

Theo những người trong cuộc, báo giấy tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để tồn tại, thậm chí là phát triển, bởi loại hình này vẫn giữ vị thế cao trong ngành công nghiệp báo chí, sở hữu lượng độc giả “ruột” có chuyên môn, cũng như đáp ứng nhu cầu, văn hóa đọc của người dân tại nhiều vùng miền.

So sánh với các loại hình báo chí khác thì báo in được xem như là “ông tổ” lâu đời nhất của báo chí. Vì vậy, để có thể đạt đến những thành công nhất định trong lòng độc giả như ngày hôm nay, báo in đang dần cố gắng thay đổi và làm mới bản thân mình để ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển xã hội. Là loại hình báo chí đặc biệt không kén độc giả, báo in chắc chắn vẫn sẽ tiếp bước cùng với nhiều loại hình báo chí khác trong thời đại công nghệ số ngày hôm nay. Bởi nó là “huyền thoại”, là bậc “tiền bối” cao quý mà sẽ chẳng có ai “đánh gục” được.

Đọc thêm