Hơn 14,8 triệu người nhiễm COVID-19, hơn 612 nghìn người tử vong
Trong 24h qua, thế giới ghi nhận 192.227 ca Covid-19 mới và 3.687 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên hơn 14,8 triệu và tổng số ca tử vong là 612.273.
Trong số đó, Mỹ ghi nhận thêm 59.350 ca mắc mới trong 24h qua, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên hơn 3,9 triệu trường hợp với 143.741 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 452 người chết vì dịch bệnh này.
32 bang ở Mỹ ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong tháng 7 trong khi 15 bang ghi nhận số ca tử vong tăng kỷ lục.
Brazil ghi nhận số ca mắc trong ngày cao thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ với 18.750 trường hợp và 597 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt con số 2,1 triệu với 80.120 ca tử vong.
Tăng cường xét nghiệm phát hiện bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc. |
Peru ghi nhận 4.091 ca mắc mới trong 24h qua, nâng tổng số ca lên 357.681 trường hợp và là ổ dịch lớn thứ 6 thế giới. Chile ghi nhận 2.099 ca mắc và 130 ca tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 333.029 với 8.633 ca tử vong. Quốc gia này hiện trở thành ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 8 thế giới. Trong khi đó, Mexico đã là ổ dịch lớn thứ 7 trên thế giới với 5.311 ca mắc mới và 296 ca tử vong trong 24h qua. Đây cũng là nước có số ca tử vong cao thứ 2 Mỹ Latin, chỉ sau Brazil với 39.184 trường hợp.
Italy - nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 190 ca mắc mới và 13 trường hợp tử vong trong 24h qua. Trong khi đó, trong 24h qua, Đức ghi nhận 641 ca mắc mới và 9 trường hợp tử vong. Hai nước này lần lượt đứng thứ 14 và 18 trong số các nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ các ca mắc Covid-19 ở Tây Ban Nha đã tăng gấp 3 lần trong 3 tuần khi giữa bối cảnh các nhà chức trách chật vật ngăn chặn sự lây lan của các ổ dịch mới, chủ yếu ở khu vực Catalonia và Aragon.
Ấn Độ ghi nhận 36.810 ca mắc mới trong 1 ngày và 596 trường hợp tử vong. Quốc gia này hiện đã vượt mốc 1,1 triệu trường hợp mắc bệnh và vẫn là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil. Ấn Độ có 28.099 ca tử vong vì Covid-19. Cùng với nhiều quốc gia và các thành phố trên toàn cầu, Ấn Độ đã tái áp đặt các lệnh phong tỏa một số địa phương sau khi số ca mắc tăng cao.
Trong 24h qua, Nam Phi ghi nhận 9.300 ca mắc mới và 140 trường hợp ca tử vong, trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ 5 thế giới với 373.628 ca. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi là hồi chuông cảnh báo cho toàn bộ châu Phi trong việc tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh. Bên cạnh Nam Phi, Botswana, Kenya, Namibia, Zambia và Zimbabwe đều ghi nhận số ca mắc tăng kỷ lục trong tuần qua.
Kiểm tra thân nhiệt ở một địa điểm công cộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. |
Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 ở những tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Giới chức y tế xác nhận nước này vừa phát hiện thêm 511 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 9.411 ca.
Tại Australia, giới chức bang New South Wales (NSW) và Victoria - hai bang đông dân nhất nước này - ngày 20/7 xác nhận đã có thêm lần lượt 20 ca và 275 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền bang Victoria đã chính thức ra lệnh bắt buộc tất cả người dân ở thành phố Melbourne và Mitchell Shire đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc, kể từ đêm 22/7. Trong khi đó, chính quyền bang NSW cũng kêu gọi người dân thành phố Sydney đeo khẩu trang, đồng thời sẽ áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc đi lại qua biên giới với bang Victoria kể từ ngày 21/7 với một quy trình cấp phép đi lại mới.
Tổng thống Mỹ sẽ nối lại họp báo thường xuyên về ứng phó Covid-19
Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 20/7, Tổng thống Trump nói rằng Nhà Trắng đã có các cuộc họp báo rất thành công và ông dự kiến nối lại cuộc họp báo đầu tiên vào chiều 21/7 (giờ Washington DC). Các cuộc họp báo sẽ tập trung nhiều vào việc phát triển vaccine và thuốc chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ông Trump cũng dự định mời người đứng đầu các công ty liên quan đến phát triển vaccine trao đổi với báo chí trong những cuộc họp báo sắp tới.
“Chúng tôi sẽ khởi động lại các cuộc họp báo và tôi nghĩ rằng đó là một cách tuyệt vời để truyền tải thông tin tới công chúng liên quan tới tiến trình bào chế vaccine, cùng với các liệu pháp điều trị và nói chung là chúng ta đang ở đâu trong cuộc chiến chống Covid-19. Tôi sẽ tổ chức họp báo vào 5 giờ chiều mai như từng làm trước đây. Chúng ta đã có một vị trí tốt, rất nhiều người theo dõi và đó là điều tốt”.
Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Trump tham gia vào cuộc họp báo của Nhà Trắng về biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Những tuần gần đây, một số cố vấn đã thúc đẩy Tổng thống Trump nối lại các cuộc họp báo, vì cho rằng điều đó sẽ chứng tỏ với công chúng Mỹ ông đang đóng vai trò hàng đầu trong việc đối phó với Covid-19.
Cũng trong ngày 20/7, ông Trump đã đăng trên Twitter bức ảnh bản thân đeo khẩu trang và gọi những người đeo khẩu trang là yêu nước.
Từ khi đại dịch bùng phát, ông Trump mới đeo khẩu trang lần đầu vào ngày 11/7 khi đi thăm bệnh viện quân đội quốc gia Walter Reed ở Bethesda, Maryland. Ngược lại, đối thủ trong cuộc đua tổng thống là ông Joe Biden, đã đeo khẩu trang trong nhiều tháng nay.
Dòng trạng thái trên được đăng cùng bức ảnh đen trắng, trong đó ông Trump đeo khẩu trang tối màu có con dấu của tổng thống. |
Mỹ xem xét cử đặc vụ liên bang tới các thành phố để ổn định tình hình
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp tại Nhà Trắng, với sự tham dự của một số quan chức trong nội các, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi sẽ làm một số điều và đó là những gì tôi có thể nói với bạn, bởi vì chúng tôi sẽ không để New York, Chicago, Philadelphia, Detroit và Baltimore rơi vào tình trạng lộn xộn. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra ở đất nước chúng ta. Tất cả những thành phố đó được điều hành bởi các quan chức đảng Dân chủ”.
Tổng thống Trump lưu ý tình trạng bạo lực leo thang ở Chicago và New York, hai thành phố đã chứng kiến sự gia tăng các vụ xả súng những tuần gần đây. Trong khi đó, ông Trump đổ lỗi cho các quan chức thành phố và bang New York vì đã hạn chế cảnh sát phản ứng mạnh mẽ hơn với tình trạng bất ổn.
Phát biểu với hãng tin Fox News cùng ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, nói rằng Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể về việc triển khai nguồn lực liên bang tới các địa phương.
Chính phủ Mỹ dự kiến cử 150 đặc vụ liên bang đến thành phố Chicago trong tuần này.
Trung Quốc huy động lực lượng cứu hộ hơn 21 triệu dân vùng lũ
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc, mưa ở miền Nam Trung Quốc sẽ giảm trong vài ngày tới. Tuy nhiên do lượng mưa những ngày qua quá lớn nên đã gây nên tình trạng lụt lội nặng nề cho nhiều tỉnh thành. Để bảo vệ tính mạng người dân, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ lực lượng cứu hộ từ nhiều nguồn.
Hơn 800 trạm trên tổng số 1.500 trạm quan trắc tỉnh An Huy đều ghi nhận mưa lớn liên tiếp mấy ngày qua nên hầu hết các con sông đều vượt đỉnh lũ. Hàng trăm tình nguyện viên là lực lượng vũ trang ở tỉnh An Huy đã làm ngày đêm để nhanh chóng đưa hơn 9.000 bao đá, cát hàn một đoạn đê bị vỡ ở thị trấn 15 ngàn dân.
Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 18/7. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Lực lượng chi viện luân phiên cùng các lực lượng tại chỗ ngày đêm tôn cao đê bao, kiểm tra những chỗ rò rỉ để đảm bảo an toàn đê đập.
29 nghìn cư dân ở một khu vực người dân tộc tỉnh Hồ Bắc đã được di dời khẩn cấp trong đợt mưa lớn 2-3 ngày nay. Đợt mưa lớn này đã hoành hành ở Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy khiến cho mực nước sông đều đạt mức báo động lũ. 1,76 triệu người đã được sơ tán.
Từ đầu tháng 7 đến nay mưa lũ ở miền Nam, miền Trung Trung Quốc đã làm cho hơn 21 triệu người bị ảnh hưởng. Riêng ba tỉnh bị nặng là An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc có 23 người chết và mất tích.