Tin tức tiêu dùng nổi bật 24 giờ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bưởi tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Giá gạo tấm bất ngờ tăng vọt; Giá rau xanh ở Đà Nẵng tăng nhanh sau lũ... là những tin tức tiêu dùng nổi bật 24 giờ qua.
Bưởi tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Bộ Công thương)
Bưởi tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Bộ Công thương)

Bưởi tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Mỹ

Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam.

Đây là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Cục bảo vệ thực vật đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với trái cây Việt. Thị trường này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, lên tới 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại phải nhập khẩu.

Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải được đăng ký với Cục BVTV và Cơ quan kiểm dịch động-thực vật Mỹ (APHIS). Quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ; và được Cục BVTV cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ phải được xử lý chiếu xạ với với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Giá gạo tấm bất ngờ tăng

Bắt đầu từ tháng 10, thị trường xuất khẩu gạo đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).

Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới. Do vậy, khi quốc gia này dừng xuất khẩu gạo tấm đột ngột đã làm cho nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt trầm trọng.

Dự báo do hạn hán mất mùa nên nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, gần một nửa lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc là gạo tấm, chủ yếu từ Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi cũng như sản xuất rượu và đồ ăn nhẹ.

Ngoài Ấn Độ, thì chỉ có Miến Điện, Thái Lan, Pakistan có mặt hàng gạo tấm nhưng sản lượng rất ít. Sản lượng gạo tấm của Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phải nhập khẩu thêm từ Ấn Độ khoảng hơn 400.000 tấn/năm. Hiện tại Việt Nam không có mặt hàng gạo tấm để xuất khẩu.

Do khan hiếm nguồn cung, hiện nay giá gạo tấm đã tăng vọt lên gần bằng gạo 25% tấm. Theo bảng giá gạo tham khảo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, ngày 13/10, giá gạo tấm của Pakistan đã đạt 376 USD/tấn ngang bằng với gạo 25% tấm. Gạo tấm Thái Lan cũng đã đạt 381 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm của quốc gia này chỉ vào khoảng 400 USD/tấn.

Rau xanh ở Đà Nẵng lên giá

Theo thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, trận mưa lịch sử tối 14/10 đã làm hư hại 50,6 ha rau màu trên toàn thành phố.

Nguồn rau xanh thiếu hụt, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng khiến giá rau tăng mạnh. Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn, giá rau tăng mạnh từ 50%, thậm chí gấp đôi so với ngày thường.

Cụ thể như giá rau muống, rau mùng tơi, rau ngót ngày thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/bó nay lên đến 20.000 đến 25.000 đồng/bó; rau khoai 10.000 đồng/bó nay có giá bán 15.000 đồng; giá các loại rau thơm cũng tăng mạnh từ 40.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg; cà chua tăng giá thêm 5.000 đồng/kg...

Trong khi đó, các mặt hàng khác như bầu, bí đao, bí đỏ, khoai tây, mướp đắng, súp lơ, cải bắp,... giá tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, giá rau củ quả nhìn chung vẫn khá bình ổn. Một số loại rau tăng giá từ vài nghìn đồng một kg.