Tin tức tiêu dùng nổi bật 24 giờ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gạo ST25 mất ngôi số 1 Việt Nam; Việt Nam liên tục giảm nhập khẩu thịt heo; Bán 190 nghìn tấn hạt tiêu thu về khoảng 830 triệu USD... là những tin tức tiêu dùng nổi bật 24 giờ qua.
Gạo ST25 mất ngôi số 1 Việt Nam. Ảnh minh họa
Gạo ST25 mất ngôi số 1 Việt Nam. Ảnh minh họa

Gạo ST25 mất ngôi số 1 Việt Nam

Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022 vừa được tổ chức tại TP HCM với sự tham gia của 6 đơn vị gồm: Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Công ty TNHH thương mại HK (Tiền Giang), Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị mang đến cuộc thi 12 mẫu gạo, bao gồm 8 mẫu gạo thơm (ST24; ST25; TBR39; Lộc Trời 28; VD20; Đài Thơm 8; OM8; OM48) và 4 mẫu gạo nếp (nếp A Sào; TBR78; OM406; OM38).

Kết quả chung cuộc, đối với gạo thơm, giải Nhất thuộc về gạo TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed; giải Nhì là gạo ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và giải Ba là gạo Lộc Trời 28 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Đây cũng là 3 loại gạo sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 12 tại Thái Lan vào cuối năm nay.

Việt Nam liên tục giảm nhập khẩu thịt heo

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong quý III Việt Nam nhập khẩu 191,58 ngàn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý III, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam nhất với 37,35 ngàn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng mặt hàng thịt heo, trong quý III Việt Nam nhập khẩu 31,76 ngàn tấn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, nhập khẩu thịt heo liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm. Braxin, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam.

Bán gần 190 nghìn tấn hạt tiêu thu về khoảng 830 triệu USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 10/2022, nước ta xuất khẩu trên gần 190 nghìn tấn hạt tiêu, thu về khoảng 830 triệu USD, tăng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu trung bình đạt khoảng 4.372 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt tiêu là một trong những nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp ghi nhận mức giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Dù vậy, mặt hàng được ví như “vàng đen” này của Việt Nam lại có giá xuất khẩu khá thấp so với hạt tiêu cùng loại của các đối thủ cạnh tranh.

Đơn cử, giá hạt tiêu xuất khẩu của Brazil ghi nhận ngày 28/10 ở mức 2.475 USD/tấn; tại cảng Kuching (Malaysia) hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu có giá lần lượt là 5.100 USD/tấn và 7.300 USD/tấn; tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu lần lượt là 3.677 USD/tấn và 5.952 USD/tấn.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến

Nhận định từ các chuyên gia Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, do nhu cầu được cải thiện nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng nhẹ trong quý 3/2022.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, quý 3/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong thời gian này, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam; trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 37,35 nghìn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.