Tin vào triển vọng của thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Tọa đàm “Đầu tư Tài chính 2022 - Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán (TTCK), Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên TTCK đã bộc lộ.

Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) và đang bước đầu có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, TTCK Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối NĐT nước ngoài.

“Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường. Niềm tin đó của NĐT nước ngoài, hướng phục hồi mạnh là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển TTCK lành mạnh, minh bạch và bền vững…”, ông Phòng nói.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, VN Index giảm khoảng 20% từ đầu năm và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, 1 tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất. “Có thể thấy, sự suy giảm của TTCK Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam…” , chuyên gia này nhận định.

Với các số liệu vĩ mô Tổng cục Thống kê vừa công bố, các chuyên gia kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế chính là dư địa tốt để TTCK phát triển.

“Một điểm băn khoăn lớn hiện nay là TTCK đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm, trong đó chỉ số VN-Index giảm khoảng 20% còn chỉ số HNX giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy mức độ băn khoăn của NĐT đối với lĩnh vực này ngày càng lớn. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên…”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định,

Theo vị này, các tác động của thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới TTCK Việt Nam, nhất là chiến tranh Nga - Ukraine và chính sách tài khóa tiền tệ của các nước khi thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng và tăng lãi suất.

“Điều này tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn. Đặc biệt, hành vi của NĐT cũng thay đổi khi bắt đầu tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn, thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư”- TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Ông chia sẻ thêm, về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn, thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của DN niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua các thách thức cần lưu tâm trên thị trường, như các rủi ro từ bên ngoài, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán hay câu chuyện cho vay ký quỹ, cùng các chính sách lành mạnh hóa của cơ quan quản lý...

Đồng tình với nhận định về triển vọng thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ phát hành thị trường, UBCKNN khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK như thao túng chứng khoán, công bố thông tin không đúng sự thật, các hành vi tái phạm, cố tình vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhằm đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Đọc thêm