Qua bài viết này, tôi muốn dành trọn tin yêu cho những ca khúc theo dòng chảy lịch sử của tân nhạc Việt Nam, từ buổi đầu của nhạc tiền chiến, cho tới cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và ngày hoà bình lập lại. Âm thanh đó gắn liền với nhiều thế hệ và khi nó vang lên, chúng ta như thấy được cả dân tộc đang chuyển mình trong cuộc trường chinh giữ nước. Tình yêu, tuổi trẻ và lòng quả cảm bảo vệ Tổ quốc gắn bó máu thịt và luôn như vậy!
Khúc ca yêu đời, yêu người
Một ca khúc mà cứ Tết đến, Xuân về chúng ta lại thấy vang lên trong mọi nhà, đó là khúc ca “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối. Nhạc sĩ La Hối sinh năm 1920 tại Hội An, Quảng Nam trong một gia đình phong lưu mà phần đông con cái đều có ít nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Ông tham gia phong trào chống Nhật rất sớm và bị xử bắn cùng các đồng chí của mình vào năm 1945.
Nói về ca khúc rộn ràng “Xuân và tuổi trẻ”, ông La Gia Quảng, cháu ruột của cố nhạc sĩ La Hối sống tại Hội An cho biết: “Trong thời gian dạy nhạc, La Hối có yêu một cô giáo dạy dương cầm. Chuyện tình của họ thật đằm thắm và kín đáo nên ít người biết, ngay cả trong gia đình cũng không nhớ rõ tên của cô giáo ấy. Tất cả những sáng tác giá trị chưa được phổ biến, La Hối đều gởi tặng trước cho người mình yêu quý. Sau khi ông hy sinh, gia đình quá đau buồn, quên mất vai trò “quản thủ tài liệu” của cô giáo dạy dương cầm. Và bây giờ, người tình của La Hối không biết đã lưu lạc về đâu, còn sống hay đã mất?”.
Theo tư liệu ghi lại cho biết, phần nhạc của bài này được sáng tác năm 1944, trong giai đoạn sớm của tân nhạc Việt Nam. Ban đầu là bản nhạc hòa tấu của La Hối viết cho nhóm nhạc công của Hội người yêu âm nhạc ở thị xã Hội An biểu diễn. Nhà thơ Thế Lữ không phải là người đầu tiên viết lời cho đoạn nhạc, phần lời ban đầu được viết bằng tiếng Hán bởi một người mang nghệ danh Diệp Truyền Hoa. Phần lời của Thế Lữ được viết năm 1946, khi đoàn kịch nói Anh Vũ của Thế Lữ vào Nam biểu diễn. Tại đây Thế Lữ được nghe bản nhạc, ông rất thích và đã đặt thêm lời Việt. Đây là phần lời thịnh hành được truyền mãi đến nay, luôn vang lên trong mỗi độ xuân về.
Trong tiết xuân, lời hát vút lên như tiếp thêm nhựa sống, sự ấm áp cho tuổi trẻ: “Hát vang hòa lòng thêm hăng hái/ Hát vang lên đời ta thắm tươi/ Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa/ Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca/ Xuân tưng bừng”...
Là một người trẻ tuổi yêu nước rất sớm, nhạc sĩ La Hối còn viết một số hành khúc hùng tráng cổ động tinh thần yêu nước, ý chí chống phát xít xâm lược, tiêu biểu là ca khúc “Gió thiêng liêng”. Cho đến nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” vẫn được trình diễn khắp các sân khấu trong và ngoài nước, sẽ sống mãi cùng mùa xuân và trong lòng những người yêu nhạc. Nhạc sĩ La Hối vĩnh viễn ra đi trong tư cách một chiến sĩ khi tuổi đời còn rất xuân - 25 tuổi, nhưng ông đã kịp để lại cho đời một “Xuân và tuổi trẻ” bất diệt!
Khúc ca hàn gắn núi sông
“Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao nhiêu đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa ta, dâng cả bao đời”…”. Với tôi “Tình ca” luôn là ca khúc bất hủ của thời chiến. Một ca khúc ra đời trong chiến tranh nhưng không có ngôn ngữ bạo lực, kích động, mà là những lời nhắn nhủ, lưu luyến vượt qua núi sông, đại dương, chia cắt đất nước… để được thì thầm bên nhau.
Vợ chồng nhạc sỹ Hoàng Việt và bản Tình Ca bất hủ. (Ảnh: Internet) |
Năm 1954, chia tay người vợ trẻ đang mang thai đứa con thứ ba, Hoàng Việt lên tàu từ Đất Mũi Cà Mau tập kết ra Bắc học chính quy tại khóa sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Xa quê hương, trong nỗi nhớ và những đêm thao thức hướng về miền Nam nơi có người vợ hiền, con thơ, nơi quê nhà với bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long… ông đã gửi nỗi lòng qua tác phẩm “Tình ca” với câu mở đầu: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...”.
Vợ cố nhạc sĩ Hoàng Việt là bà Lâm Thị Ngọc Hạnh tâm sự, lần đầu nghe được lời bài hát cất lên, bản thân đã cảm nhận như bức thư tình mà người chồng nhạc sỹ gửi riêng cho mình, động viên vợ cố gắng nuôi con, chờ ngày chồng về. Nhất là đoạn “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời/ Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.
Khúc ca ra đời khi nước nhà chia cắt, bối cảnh thời chiến khiến cho con người ly biệt và khi nhạc sĩ Hoàng Việt viết nên bản “Tình ca” tuyệt vời này thì người vợ ở miền Nam cũng không thể nghe được qua làn sóng phát thanh. Sau này, họ mới có cơ hội để nghe ca sĩ Quốc Hương hát.
Nhà văn Lê Hữu Dụng, người con trai thứ hai của nhạc sĩ tâm sự, khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trong một buổi họp mặt gia đình tại Sài Gòn, một người chú họ nói: “Anh Bảy (tên thường gọi của nhạc sỹ Hoàng Việt) vừa sáng tác bài “Tình ca” hay lắm. Nghe chú kể xong, mấy mẹ con tôi tìm cách nghe lại bài hát nhưng không biết làm thế nào bởi lúc này miền Nam rất khó bắt được sóng phát thanh từ Hà Nội. Bẵng đi một thời gian rất lâu, cả nhà tình cờ nghe được ca sĩ Quốc Hương hát bài “Tình ca” qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Do sóng yếu nên nghe tiếng được, tiếng mất. Tuy nhiên, khi nghe xong bài hát, tôi muốn rơi nước mắt. Bài hát rất hay, da diết, cung bậc lên xuống cao trào…”.
Nhạc sĩ Hoàng Việt qua nét vẽ họa sĩ Lương Xuân Đoàn. |
TS Nguyễn Đăng Nghị chia sẻ: “Thật ra, lời trong “Tình ca” đâu chỉ có tình yêu đôi lứa - cái tôi của nhạc sĩ - mà trong nó đã chứa đựng “cái ta” cao cả. Cũng như bao nhạc sĩ ở thời đó, tình yêu lứa đôi được hòa vào tình yêu quê hương đất nước. Từ trong chiến tranh gian khổ, tình yêu trong ca khúc của Hoàng Việt càng trở nên sắt son, bền chặt, đơm hoa kết trái, tình yêu đấy không mang chút bi lụy mà gắn chặt với cánh đồng, dòng sông của mảnh đất Nam Bộ - nói rộng ra là quê hương, đất nước, Tổ quốc Việt Nam. Hoàng Việt đã “gói” tình yêu của ông như thế này”.
Từ đây người biết yêu người
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”.
Một buổi sáng mùa xuân, chúng ta ngồi thật yên, nghe điệu valse này vang lên thật da diết, nhẹ nhàng, mơn man da thịt. Một thứ gì đó quá ấm áp sau biết bao khổ đau của xa cách, chinh chiến, bom đạn… Con người đã biết yêu thương lẫn nhau, biết nơi chốn để nương náu. Nhạc sĩ tài danh Văn Cao đã viết ca khúc này sau một thời gian lặng im. Người nhạc sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, thành phố đã yên bình, hoà bình đã đến trên quê hương Việt Nam quá nhiều bom đạn. Ông ngồi bên piano và viết lên giai điệu yên bình đó, cho quê hương Việt Nam, cho hoà bình và hy vọng.
“...Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn/Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/Niềm vui phút giây như đang long lanh”.
Nhạc sĩ Văn Cao. |
Từ “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối, một khúc ca tươi vui thời đầu tân nhạc, cho tới “Tình ca” của Hoàng Việt được viết trong thời chiến và rồi Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên” khi hoà bình lập lại, non sông gắn liền một dải, chúng ta đã thấy trong một chiều dài đó, đất nước trải qua nhiều biến cố thương đau, nhưng vẫn luôn tràn ngập hy vọng. Đức tin cá nhân của một nghệ sĩ dành cho người mình yêu thương cũng là niềm tin của cả dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại bảo vệ nước nhà.