Tình hình lao động việc làm quý IV/2022: Diễn biến ngược thông lệ do thiếu đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thông thường mọi năm, quý IV là thời gian nhu cầu lao động (LĐ) tăng cao, tỷ lệ LĐ thiếu việc làm, LĐ thất nghiệp mất việc thấp. Nhưng quý IV/2022, lần đầu tiên tình hình LĐ việc làm không theo quy luật do tình trạng thiếu đơn hàng.
Ngành dệt may là một trong các ngành bị cắt giảm nhiều đơn hàng trong quý IV/2022.
Ngành dệt may là một trong các ngành bị cắt giảm nhiều đơn hàng trong quý IV/2022.

Lao động có việc làm chỉ tăng 0,5%

Thông tin tại cuộc họp báo tình hình LĐ việc làm quý IV và năm 2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, LĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, LĐ có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và LĐ, TCTK, thông thường, quý IV là quý mà thị trường LĐ cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ, Tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao. Như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19, LĐ có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%), tuy nhiên trong quý IV/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các DN càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm LĐ, điều này làm giảm tốc độ tăng LĐ trong quý IV/2022 chỉ còn 0,5%.

Đáng chú ý, trong quý IV/2022, LĐ có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,1 triệu người, tăng 116,8 nghìn người so với quý trước và giảm 194,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 19,9 triệu người tăng 125,9 nghìn người so với quý trước và tăng 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Ngược với xu hướng tăng của ngành dịch vụ và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thì số có việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm so với quý trước, số người làm việc ở ngành này trong quý IV là gần 17,0 triệu người, giảm 3,1 nghìn người so với quý trước.

Lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt DN với gần 5,3 triệu lượt LĐ. Tính đến hết quý III/2022, thị trường LĐ tiếp tục duy trì đà phục hồi và có nhiều mặt khởi sắc. Với đà phục hồi đó, dự báo tình hình LĐ việc làm quý IV và cả năm 2022 sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao…, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm thì đà phục hồi của thị trường LĐ đang có xu hướng chậm lại.

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của LĐ trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của LĐ trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%).

“Như vậy, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người LĐ giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, quý IV là thời điểm các DN và người LĐ triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý IV thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước”, ông Phạm Hoài Nam nhận xét.

Cũng theo ông Nam, thông thường, thị trường LĐ những tháng cuối năm 2022 sẽ sôi động hơn do các DN tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất LĐ nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Đặc biệt, những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhiều DN tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, do vậy các DN phải tuyển dụng thêm LĐ trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Tuy nhiên, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số DN, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi LĐ quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi LĐ quý IV năm 2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đọc thêm