Cơ chế chưa hữu hiệu
Tại Hội thảo “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam” do VCCI phối hợp với các Hiệp hội gỗ VIFORES, FPA, HAWA và Forest Trends tổ chức hôm 20/6, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhấn mạnh, cam kết cốt lõi của Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa có hiệu lực từ 01/6/2019 là “bảo đảm gỗ hợp pháp”. Theo đó tất cả các sản phẩm gỗ ở Việt Nam, bao gồm cả gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều phải là gỗ hợp pháp.
“Theo cam kết này của VPA/FLEGT, với tư cách là nhóm “khách hàng” lớn trong tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thị trường nội địa, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm gỗ được mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp. Đây là một thách thức lớn, bởi hiện chưa có cơ sở đầy đủ nào để xác định liệu sản phẩm gỗ mua sắm công ở Việt Nam có phải là gỗ hợp pháp hay không?” - bà Trang lưu ý.
Rà soát pháp luật đấu thầu của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, mặc dù đã yêu cầu chung về việc hoạt động đấu thầu phải tuân thủ tất cả các hệ thống pháp luật liên quan, nhưng pháp luật đấu thầu hiện chưa có yêu cầu cụ thể và có tính hệ thống về tính hợp pháp của hàng hóa , dịch vụ mua sắm công, trong đó có các sản phẩm gỗ. Pháp luật đấu thầu cũng không có cơ chế thường xuyên và ràng buộc nào trong việc đảm bảo gỗ mua sắm cũng là gỗ hợp pháp.
Bà Trang cũng cho biết, trong các mẫu hồ sơ mời thầu bắt buộc tuân thủ, tuy pháp luật đấu thầu hiện đã có yêu cầu về “tư cách hợp lệ của nhà thầu” và tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ” nhưng các điều khoản này không đủ bao quát tất cả các hệ thống pháp luật liên quan tới hàng hóa. Riêng đối với gỗ và các sản phẩm gỗ, những quy định này hoàn toàn không đủ để bảo đảm tính hợp pháp của đồ gỗ cung cấp trong các hợp đồng mua sắm công.
“Với hiện trạng như vậy, pháp luật đấu thầu chưa thể xem là cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát tính hợp pháp của gỗ cung cấp trong các hợp đồng mua sắm công ở Việt Nam nói riêng cũng như bảo đảm hàng hóa, dịch vụ mua sắm công bằng vốn nhà nước là hợp pháp…” - Bà Trang nhận định.
Cũng có ý kiến cho rằng pháp luật đấu thầu cho phép các đơn vị mời thầu được chủ động bổ sung các yêu cầu về tất cả các khía cạnh đối với hàng hóa mà họ cảm thấy cần thiết, trong đó có thể có các yêu cầu về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ cung cấp, nhưng theo bà Trang, việc các đơn vị mời thầu có sử dụng quyền này để yêu cầu nhà thầu đảm bảo gỗ hợp pháp hay không và hành động trên thực tế của họ lại là chuyện rất khác…
Chính sách mua sắm công sản phẩm gỗ: Cần thiết và bắt buộc…
“Vấn đề quan trọng là để có căn cứ thực hiện gỗ hợp pháp trong mua sắm công, pháp luật đấu thầu cần có các quy định điều kiện bắt buộc về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ (trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ). Các quy định này có thể là nguyên tắc chung, cũng có thể được thể hiện cụ thể thành các điều khoản trong các mẫu hồ sơ mời thầu, mẫu hợp đồng mua sắm công…
Khi đã trở thành yêu cầu bắt buộc của pháp luật đấu thầu, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ (trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ) suy đoán sẽ được thực hiện bởi tất cả các đơn vị mời thầu sử dụng vốn Nhà nước cũng như các DN tham gia cung cấp hàng hóa, trong đó có đồ gỗ, cho các đơn vị này…” - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đề xuất.
Dựa trên các bài học kinh nghiệm quốc tế về chính sách và thực thi chính sách mua sắm công về đồ gỗ tại một số quốc gia, dựa trên các yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ được đề ra trong VPA/ FLEGT, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Phân tích Chính sách Forest Trends khẳng định, chính sách mua sắm công sản phẩm gỗ là cần thiết và bắt buộc.
“Chính phủ cần đi tiên phong, chuyển tải thông điệp tới các nhóm tiêu dùng khác, thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng theo hướng hợp pháp và bền vững…” - Chuyên gia đến từ Forest Trends khuyến nghị .
Ông Phúc cho rằng chính sách cần có mục tiêu ngắn hạn là bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp, mục tiêu lâu dài (trong 10-15 năm tới) cần hướng đến sử dụng các sản phẩm gỗ bền vững nhằm góp phần bảo vệ rừng bền vững ở Việt Nam và ở các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.
“Việc ban hành chính sách mua sắm công còn tác động chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của DN. Chính vì vậy, xây dựng chính sách cần có sự tham vấn rộng rãi các bên liên quan và để thực hiện chính sách hiệu quả cần các biện pháp và cơ chế hỗ trợ đi kèm như truyền thông, hướng dẫn chi tiết…” - Chuyên gia Forest Trends lưu ý.
Tính hợp pháp của gỗ là tiêu chí ít được quan tâm nhất
Khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập trên 100 hồ sơ mời thầu mua sắm công trong các năm 2016-2018 cho thấy, phần lớn các đơn vị mời thầu muốn sử dụng gỗ tự nhiên, trong đó có 11% yêu cầu là gỗ quý thuộc nhóm I và nhóm II- nhóm gỗ có rủi ro cao về tính bất hợp pháp.
Khảo sát cũng cho thấy các đơn vị mời thầu hiếm khi đặt yêu cầu riêng nào về tính hợp pháp của gỗ ngoài các điều khoản mẫu bắt buộc theo pháp luật đấu thầu trong hồ sơ mời thầu. Ngay cả với trường hợp có yêu cầu về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ, đơn vị mời thầu cũng chủ yếu quan tâm tới pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về điều kiện kinh doanh…
Khảo sát 33 DN có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ cho các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước cũng cho thấy, tính hợp pháp của gỗ là “tiêu chí” ít được quan tâm nhất bởi đơn vị mời thầu khi lựa chọn nhà thầu khi chỉ có 52% DN lựa chọn, trong khi các tiêu chí khác như: Tư cách pháp lý (88%), năng lực tài chính (88%), kinh nghiệm (88%), khả năng đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật (79%), năng lực công nghệ (64%)…