Tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây

(PLVN) - Ngày 21/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân ban hành Quyết định về việc tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây Cà Mau, khu vực thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Theo đó, hiện đê biển Tây có 5 vị trí sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm với chiều dài gần 6.000 mét. Cụ thể, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có các vị trí sạt lở: Đoạn từ Kênh Mới - Đá Bạc (700 mét), Đá Bạc - Xào Lưới (885 mét), Xào Lưới - Ba Tỉnh (500 mét); tại huyện U Minh, đoạn Bắc và Nam Vàm Khánh Hội (500 mét), Giồng Cát - Tiểu Dừa (2.500 mét). 

Tại các vị trí nêu trên, đai rừng phòng hộ không còn, triều cường lên cáo, mưa gió tạo sóng lớn uy hiểm nghiêm trọng lên thân đê. Nhiều vị trí mái đê đã bị bào mòn, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Theo tính toán bước đầu của cơ quan chuyên môn, nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp công trình mang tính khẩn cấp tại các vị trí nêu trên gần 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. 

 Xây dựng kè hộ đê phía bên ngoài nhằm giảm áp lực của sóng biển đang được tập trung thực hiện.

Trước thực tế khẩn cấp trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND huyện U Minh, Trần Văn Thời khoanh vùng khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lan an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm, xung yếu…

Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân giao lãnh đạo huyện U Minh, Trần Văn Thời có trách nhiệm vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn; thông báo, cắm biển báo, biển giới hạn tải trọng xe; phối hợp với ngành chuyên môn bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. 

Cùng với đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh về bố trí kế hoạch vốn để triển khai các công trình khẩn cấp, khắc phục sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm nêu trên.