Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang
Mùa hè năm ngoái, khi dòng chữ “LED Điện Quang - Made in Vietnam” sáng lên trên sân vận động Ánh Sáng trong trận Sunderland gặp Chelsea, người hâm mộ Việt Nam không khỏi tự hào. Đây không phải lần đầu tiên một thương hiệu Việt Nam quảng cáo trên đấu trường tầm cỡ thế giới, nhưng Điện Quang (CTCP Bóng đèn Điện Quang), sau khi tỏa sáng trên “sân nhà”, vững bước tiến ra sân chơi quốc tế, gợi lên những cảm giác nhiều phấn khích.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường có doanh thu trên nghìn tỷ đồng, đứng thứ 74 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước, có tên trong danh sách 1000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam này có một chỗ đứng xứng đáng trong tâm trí người tiêu dùng. Với hơn 1000 sản phẩm các loại, Điện Quang hiện diện trong hầu hết mọi gia đình trên khắp mọi miền đất nước.
Những sản phẩm như bộ đèn LED Mica, bộ đèn DoubleWing siêu sáng, đèn bàn LED và bóng đèn 60W Equivalet Soft White A19 từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Có Điện Quang, lĩnh vực chiếu sáng trở thành một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà hàng Việt Nam chiến thắng trên sân nhà rồi từng bước vươn ra thị trường thế giới với Venezuela, Cuba, Mỹ, Nhật và gần 30 nước khác.
“Điện Quang luôn chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ, hơn là về giá” - ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Điện Quang, cho biết. Ông mong muốn không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao mà còn mang đến cho khách hàng không gian chiếu sáng thẩm mỹ và hiện đại.
Chiến lược nhất quán đó, cộng với một ban lãnh đạo trẻ, năng động, tham vọng và giàu kiến thức, khiến Điện Quang luôn đi đầu trong lĩnh vực chiếu sáng với những sản phẩm độc đáo, tiên tiến và hiệu suất cao, trở thành một trong những thương hiệu được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Hệ thống hơn 150 nhà phân phối với 15.000 điểm bán hàng (nhiều gấp đôi của doanh nghiệp cạnh tranh trong cùng lĩnh vực), 1.200 điểm bán lẻ hiện đại trong siêu thị và trung tâm điện máy, cung ứng trực tiếp cho các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy dệt may đã giúp Điện Quang tiêu thụ mỗi năm 20 triệu bóng đèn LED, 100 triệu đèn compact, 15 triệu bóng đèn thường và 10 triệu thiết bị điện khác.
Từ năm 2015, Điện Quang đã triển khai trang bị ánh sáng đạt chuẩn cho 6.000 trường học trên cả nước. Với chương trình này, slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” không chỉ là phương châm maketing mà đã trở thành hiện thực.
Từ một công ty với vốn điều lệ ban đầu chỉ 23,5 tỉ đồng, đến nay Điện Quang đã đạt quy mô 343,6 tỉ đồng, tăng hơn 14 lần. Vốn hóa thị trường xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. DQC trở thành một trong những mã chứng khoán được giới đầu tư yêu thích.
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay…
Bức tranh đẹp nêu trên không phải có được ngay từ khởi thủy. Hình thành từ trước ngày đất nước thống nhất, các công ty tiền thân của Điện Quang đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử. Cho đến thời điểm cổ phần hóa (năm 2005), Điện Quang vẫn chỉ là một công ty nhỏ với mức vốn 23,5 tỷ đồng, thị trường eo hẹp do sản phẩm lỗi thời, lại bị hàng nhập lậu và các công ty nước ngoài chèn ép.
Cơ chế cứng nhắc của doanh nghiệp quốc doanh khiến Điện Quang như tự trói mình, đổi mới công nghệ và xác lập thị phần là cái gì quá viển vông, đời sống cán bộ công nhân viên vô cùng khó khăn.
Quyết định của bộ Công nghiệp sáp nhập Công ty Thủy tinh Phả Lại vào Điện Quang năm 2003 càng làm cho tình hình tài chính của Điện Quang khó khăn hơn. Do không làm chủ được công nghệ, Công ty Phả Lại để lại lượng hàng tồn kho lớn, nợ phải trả lên tới 70,3 tỷ đồng, công nợ phải thu rất lớn, công ty gần như mất khả năng chi trả.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Bộ giao, Điện Quang đã phải ứng vốn của mình ra trả nợ thay để đảm bảo sản xuất kinh doanh, tránh mất vốn của nhà nước, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động.
Chủ trương cổ phần hóa mở một lối ra cho Điện Quang. Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc và tập thể cán bộ công nhân viên Điện Quang đã đoàn kết nắm bắt cơ hội này để thoát ra khỏi khó khăn của chính mình. Tuy nhiên, vào thời điểm cổ phần hóa, không phải ai cũng nhìn ra được tương lai của Điện Quang nên việc chào bán cổ phần gặp phải những e dè, ngần ngại mà ban lãnh đạo không dễ gì thuyết phục. Ban lãnh đạo Điện Quang đã phải vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa đi tới thành công.
Nhưng rồi chính mô hình công ty cổ phần đã cho phép Điện Quang được tự quyết trong sản xuất kinh doanh để tạo ra những chuyển biến rõ rệt. Chủ động nắm bắt xu hướng tiết kiệm điện trên thế giới và mở rộng thị trường quốc tế, Điện Quang đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản phẩm. Sản phẩm chủ lực đèn huỳnh quang vốn chiếm 77,52% doanh thu trước cổ phần hóa, được co lại còn có 22,33% trong năm tiếp theo.
Đổi lại, sản phẩm gần như chưa có chỗ đứng là đèn compact, chiếm có 1,51% doanh thu trước cổ phần hóa, được nâng cấp công nghệ và tập trung sản xuất, đạt 67,42% trong năm tiếp theo và giữ vững là sản phẩm chủ lực đến ngày nay. Đây là lựa chọn mũi nhọn tuyệt đối chính xác, tạo ra thay đổi quyết định cho Điện Quang.
Bên cạnh đó, Điện Quang cũng hết sức chú trọng gây dựng thị phần bằng cách cho các nhà phân phối được trả chậm (điều không thể thực hiện được ở doanh nghiệp quốc doanh). Con số dự phòng nợ khó đòi cuối năm cổ phần hóa là zero, đã nâng lên gần 1,6 tỷ vào cuối năm tiếp theo và 4,7 tỷ vào năm sau nữa. Việc bán hàng cho Cuba được coi là nước cờ mạo hiểm nhưng lại rất thành công, nâng tầm thương hiệu Điện Quang và tạo ra một dòng ngoại tệ ổn định cho công ty suốt nhiều năm liên tục.
Công nghệ đẩy, thị trường kéo khiến cỗ xe Điện Quang tiến nhanh hơn bao giờ hết. Chỉ trong một thời gian ngắn, quy mô vốn của Điện Quang đã vượt 200 tỷ, tăng gấp 10 lần so với trước cổ phần hóa; lợi nhuận tăng 20 lần; đời sống cán bộ công nhân viên cơ bản được cải thiện, bộ máy quản lý được thay đổi về chất, đủ sức đương đầu với thách thức của thị trường hiện đại.
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay. Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Giờ đây, nhìn lại Điện Quang lúc cổ phần hóa, người ta không khỏi bùi ngùi. Chính tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm dấn thân của những người cốt cán đã giúp cho Điện Quang tái sinh, vượt qua khó khăn, bế tắc, vươn mình thành công ty dẫn đầu trong công nghiệp ánh sáng nước nhà và vươn ra thế giới./.