Tinh trùng có phải là tài sản thừa kế?

(PLO) - Bà H có một người con trai 22 tuổi bị bệnh nên đã gửi tinh trùng vào một bệnh viện. Tuy nhiên, do bệnh nặng, người con trai đã qua đời mà chưa kịp tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn với bạn gái. Sau khi lo đám tang, bà H và người con dâu (tạm gọi như vậy) đã đến bệnh viện lưu trữ mẫu tinh trùng của con trai. Tuy nhiên, bệnh viện này yêu cầu có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu giữ là tài sản mà bà H được thừa kế từ con trai đã qua đời của mình thì sẽ trả lại. 
Hình minh họa

Bà H. đã mang câu hỏi này đến Phòng Công chứng và nhận được câu trả lời rằng, mặc dù vấn đề này mang tính nhân đạo liên quan đến cuộc đời của cá nhân và gia đình, tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới mà pháp luật chưa có quy định nên cần có sự cân nhắc và bàn bạc của các cơ quan liên quan.

Như vậy, với câu chuyện của gia đình bà H. thì “chìa khóa” cuối cùng để giải quyết câu chuyện này chính là câu trả lời cho câu hỏi: “Mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu trữ của người con trai đã qua đời của bà H. có phải là tài sản mà bà H. được thừa kế từ con trai mình hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Phương Lan – Giảng viên chính Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Thưa TS, là chuyên gia trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, bà có thể cho biết quan điểm của bà về các vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề sử dụng tinh trùng người đã qua đời của gia đình bà H.?

- Trước hết, tôi xin chia sẻ với nỗi đau mất mát của gia đình, cũng như với vấn đề nhân đạo mà gia đình đang gặp phải. Còn về mặt pháp luật, theo quan điểm của tôi, những bộ phận của cơ thể con người như tim, gan, phổi, thận... và kể cả tinh trùng đều không thể được coi là một loại hàng hóa hay tài sản để có thể trao đổi, chuyển nhượng vì đó là việc làm phi đạo đức.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng được xây dựng trên tinh thần này. Và vì bộ phận cơ thể người không thể được coi là một loại hàng hóa, hay tài sản nên cũng không thể là tài sản thừa kế. Như vậy, có thể trả lời tinh trùng – một phần của cơ thể con người - không phải là một loại tài sản nên không thể là đối tượng được thừa kế.

Thưa TS, theo pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì bà H. trong câu chuyện nói trên có quyền hiến bộ phận cơ thể con trai mình sau khi anh này đã qua đời để cấy ghép cho người khác, điều này có đồng nghĩa với việc bà H. cũng được sử dụng quyền ấy với tinh trùng của con trai cho một người phụ nữ khác để thụ tinh hay không?

- Xin khẳng định luôn đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau về cách hiểu cũng như những hệ quả pháp lý phía sau. Đúng là theo pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, bà H. có quyền hiến bộ phận cơ thể con trai mình sau khi anh này qua đời để cấy ghép cho người khác theo tinh thần của điểm c khoản 2 điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Nhưng cần phải lưu ý rằng việc cấy ghép này được thực hiện trên một chủ thể (người nhận) đã và đang tồn tại sự sống, có ý thức, có năng lực hành vi dân sự  đầy đủ và bản thân chủ thể được cấy ghép này cũng phải đồng ý trên cơ sở tự nguyện về sự cấy ghép bộ phận cơ thể người khác vào cơ thể mình.

Còn nếu như cái được hiến đó lại là tinh trùng để tạo ra một con người mới, cuộc sống mới thì đây là việc làm không được phép vì nó vi phạm quyền con người nói chung và quyền của đứa trẻ sẽ được sinh ra nói riêng. Việc làm này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý về sau liên quan đến nhân thân, hôn nhân gia đình, dân sự... mà pháp luật và những người liên quan sẽ không thể lường hết được.

Xin trân trọng cảm ơn TS

Đọc thêm