Tổ chức thành công nhiều chuyến thăm mang tính lịch sử của Việt Nam và các đối tác

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết như vậy trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/3.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau Đại hội XIII của Đảng cho đến nay, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề và phức tạp cho công tác đối ngoại cũng như ngành Ngoại giao.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành Ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương.

Qua đó, chúng ta củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tổ chức thành công nhiều chuyến thăm mang tính lịch sử của ta đến các đối tác cũng như của các đối tác bên ngoài đến Việt Nam, đồng thời nâng tầm quan hệ với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các đối tác, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, qua đó, thúc đẩy hợp tác sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

“Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Nêu vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Chúng ta đã đơn phương hoặc kí kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, người Việt Nam đi ra nước ngoài du lịch cũng nhiều nhưng hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thức cho công dân Việt Nam còn khó khăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.

Đại biểu Tạ Thị Yên đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam cho tương xứng với vị thế của đất nước.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm đến tăng cường thúc đẩy du lịch, hợp tác với Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hiệu quả với nhiều danh lam, thắng cảnh.

“Trong xu thế mở cửa và hội nhập sâu rộng như hiện nay, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn ra bên ngoài để du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng cho hay.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã triển khai một số biện pháp để thúc đẩy giao lưu quốc tế. Thứ nhất là phối hợp với các bộ ngành để đơn giản hóa thủ tục về xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về trong nước, gần đây nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với các bộ ngành để đàm phán trực tiếp với các nước về miễn thị thực song phương.

“Đến nay chúng ta có 28 nước mà công dân có thể đi lại được với nhau. Đây là hướng chính mà chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân của chúng ta ra nước ngoài được đảm bảo như công dân nước bạn vào Việt Nam, như vậy vị thế của chúng ta sẽ tăng lên. Tới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đàm phán và ký kết các hiệp định miễn thị thực song phương với các nước, vừa tạo thế cho công dân Việt Nam ra nước ngoài vừa tạo điều kiện cho công dân nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng cho lưu thông hàng hóa, con người giữa Việt Nam với các nước

Trả lời chất vấn của đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) về tình hình triển khai thực hiện, lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư để các địa phương biên giới có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao xác định, việc hoàn thành phân giới cắm mốc với các nước láng giềng đạt thành quả quan trọng nhất là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị đó, chuyển thành hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tất cả các cửa khẩu. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và đối tác để nâng cấp các cửa khẩu để đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc lưu thông hàng hóa, con người giữa Việt Nam với các nước.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) quan tâm tới kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

“Trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất thì Việt Nam hiện được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí, trong đó Việt Nam vừa được bầu vào Ủy ban di sản thế giới với số phiếu cực cao. Đây cũng là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa”, Bộ trưởng thông tin.

Ở cấp độ quốc gia, các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng, thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Ngoài ra, thời gian qua, các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Đọc thêm