Tổ chức thi hành án dân sự tại Việt Nam ra đời thế nào?

(PLO) - Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới, quy định cách tổ chức tòa án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tổng cục Thi hành án dân sự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Điều thứ 3 Sắc lệnh quy định trách nhiệm của Ban Tư pháp “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây là Sắc lệnh đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho tổ chức Thi hành án dân sự tại Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định hoạt động thi hành án dân sự đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.
Trong thời gian từ ngày 31/5 đến 21/9/1946, thực hiện cuộc đấu tranh ngoại giao bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị đàm phán Fontainebleau nên giao cụ Huỳnh Thúc Kháng quyền Chủ tịch nước. Theo lời kể lại, tại Bắc Bộ phủ, trước khi bước lên ôtô ra sân bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước, và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.1
Ngày 19/7/1946, chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bản toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe ký Phó thự và được đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1946 trang 397. Đây là Sắc lệnh quy định những thủ tục riêng, cụ thể và khá độc lập về thẩm quyền, thể thức và quy trình thi hành án. 
Thứ nhất, việc thi hành án là mệnh lệnh được “truyền” từ Chủ tịch Chính phủ, người giữ vị trí đứng đầu của đất nước ta, qua đó thể hiện sự quan tâm, ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng của công tác thi hành án. Điều thứ nhất Sắc lệnh quy định: Các bản toàn sao hoặc trích sao án, hoặc mệnh lệnh do các phòng lục sự phát cho đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh của các tòa án hộ, đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau:
“Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo lời yêu cầu của người đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm soát việc thi hành, các vị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiểu luật yêu cầu”.
Thứ hai, khẳng định việc các cấp chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ, chịu trách nhiệm thi hành mệnh lệnh, bản án, cho dù việc thi hành do Thừa phát lại hay Ban Tư pháp tiến hành. 
Điều thứ ba Sắc lệnh quy định: 
“Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các tòa án. Bản ấy sẽ tùy từng việc, chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án.
Ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành án hoặc mệnh lệnh”.     
Tháng 4/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời vì bệnh trên đường đi công tác ở Quảng Ngãi. Nói về cụ, trong Thư “Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cụ là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”2. Ngày 05/3/2013, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-BTP lấy ngày 10 tháng 7 hàng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”. Ngày 19/7/1946 đã đi vào lịch sử ngành Tư pháp, Hệ thống Thi hành án dân sự và lòng tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự như thế.

Đọc thêm