Tô vẽ gây biến dạng giếng cổ, đoàn làm phim hài Tết bị xử phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau hành động tô vẽ lên giếng cổ Làng cổ Đường Lâm, bị dư luận lên án, mới đây họa sĩ đoàn phim "Chuyện làng Bồm" đã bị phạt 2 triệu đồng.
Giếng cổ Làng cổ Đường Lâm bị đoàn làm phim tô vẽ
Giếng cổ Làng cổ Đường Lâm bị đoàn làm phim tô vẽ

Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) Phan Văn Hòa đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với ông Trương Đức Thắng, họa sĩ đoàn làm phim "Chuyện làng Bồm", do đã tô vẽ giếng cổ tại Làng cổ Đường Lâm.

Theo đó, ông Trương Đức Thắng đã có hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, quy định tại khoản 1 điều 20 nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cùng với đó, chủ tịch UBND xã Đường Lâm yêu cầu ông Trương Đức Thắng khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu của giếng cổ bên đình làng Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm.

Đây cũng là biện pháp răn đe đối với các đoàn làm phim khác, các tổ chức, cá nhân khi đến Làng cổ Đường Lâm thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, không tự ý tác động, vi phạm vào di tích.

Trước đó, ngày 7/11 giếng cổ đình Mông Phụ (làng Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết "Chuyện làng Bồm" tô vẽ, làm mới để tạo bối cảnh đóng phim gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận.

Các thành viên trong đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát để tạo hình viên đá ong. Tiếp đó, vảy sơn màu xanh làm giả rêu phong.

Sau đó, dù giếng cổ đã được đoàn phim cọ rửa lớp vôi ve bên ngoài, tuy nhiên không được như ban đầu.

Giếng cổ sau khi được chà rửa vẫn lem nhem màu

Giếng cổ sau khi được chà rửa vẫn lem nhem màu

Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.

Giếng đình Mông Phụ (nằm bên mé phải của đình Mông Phụ) là giếng lớn nhất, được ví như "mắt Rồng", được người dân nơi đây bảo tồn qua nhiều thế hệ, chính là điểm tham quan nổi tiếng ở Đường Lâm.