Tọa đàm “Định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới”

(PLVN) -  Sáng 23/5/2025 tại TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới” do ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Văn phòng Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và lãnh đạo nhiều Sở Tư pháp các tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì buổi tọa đàm.

Tác động tích cực lên mọi mặt của đời sống

Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), thông tin: ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Sau hơn 03 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nền nếp. Kết quả đánh giá, công nhận trên cả nước đạt tỷ lệ cao: năm 2022 đạt 93.8%; năm 2024 đạt 96.9%.

Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp).

Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Thu Hà, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Tại buổi hội thảo, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh phía Nam đã tham dự và trình bày tham luận. Mốc thời gian của công tác đánh giá cấp xã đạt CTCPL trên cả nước được thực hiện chính thức từ năm 2017 (theo Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), từ năm 2021 đến nay, thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp một số tỉnh phía Nam đã tham dự và trình bày tham luận.

Đánh giá chung, các tham luận đều nhìn nhận, công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện cấp xã, cấp huyện đạt CTCPL được UBND tỉnh, Sở Tư pháp quan tâm thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng, kiểm tra công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL. Qua đó, kịp thời đánh giá, hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TCPL ở địa phương.

Trong tham luận của mình, các báo cáo viên cũng ghi nhận, trong thời gian qua, việc đánh giá cấp xã đạt CTCPL được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác đánh giá đi vào nề nếp, dần đi vào đời sống người dân, góp phần vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, việc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Qua việc đánh giá, công nhận sẽ giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt CTCPL, cũng như công tác thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm to lớn của công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL đạt được, các tham luận cũng góp ý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành tại các địa phương.

Trong tham luận “Thực tiễn thi hành công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL tại tỉnh Tiền Giang và đề xuất giải pháp thực hiện trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, theo bà Đặng Thị Phụng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt CTCPL trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn 04 hạn chế, vướng mắc. Bên cạnh lý do công chức cấp xã chưa có nhiều kinh nghiệm, do khối lượng công việc nhiều nên chưa phát huy được vai trò tham mưu,… bà Đặng Thị Phụng còn cho biết, các chỉ tiêu trong các tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL được quy định quá nhiều, chi tiết về nội dung, số liệu, biểu mẫu thực hiện, do đó một số địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc tổng hợp, đối chiếu thực tế so với quy định để tính điểm.

Bà Đặng Thị Phụng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, thực trạng ở Tiền Giang trong thời gian qua là một số chỉ tiêu, tiêu chí để đánh giá cấp xã đạt CTCPL còn mang tính chất tổng hợp của nhiều lĩnh vực, một số trường hợp các công chức được giao phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu mang tính tổng hợp chưa có sự phối hợp chặt chẽ, dẫn đến việc đánh giá có lúc chưa kịp thời, chưa toàn diện. Đồng thời, việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL còn hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang, là do cấp xã thực hiện rất nhiều công việc, nhiệm vụ chuyên môn. Việc thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP quá chi tiết và có quá nhiều biểu mẫu, nội dung phải thực hiện, dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, tổng hợp, thực hiện. Một số tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật còn có sự trùng lắp kết quả thực hiện với một số tiêu chí, chỉ tiêu khác. Chưa kể, nội dung đánh giá có một số chỉ tiêu khó triển khai trong thực tiễn, khó thu thập tài liệu chứng minh rõ ràng.

Ông Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre.

Ông Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, đã trình bày tham luận với chủ đề: “Mối quan hệ giữa Tiêu chí tiếp cận pháp luật với các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn khác về đánh giá chính quyền cấp xã đang triển khai tại tỉnh Bến Tre – Thực trạng và kiến nghị, đề xuất”.

Theo ông Võ Minh Thưởng, có ba khó khăn, vướng mắc chính khi áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã. Trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu “Tiếp cận pháp luật” trong đánh giá đô thị văn minh. Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP thì có 05 tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong khi đó, chỉ tiêu “Phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự” đã được quy định tại chỉ tiêu 6 Tiêu chí 4 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg.

Một điểm nữa, theo ông Thưởng, đối với tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt CTCPL với tiêu chuẩn danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” Tuy nhiên, mốc thời gian đánh giá hay xét tặng được quy định không đồng bộ. Cho nên, việc xét tặng danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” chưa phản ánh đúng thực chất, vì phải lấy số liệu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm xét tặng. Đồng thời, việc vừa quy định tiêu chuẩn về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong cùng một khung tiêu chuẩn là chưa phù hợp, trùng lặp.

Điều chỉnh để đảm bảo khả thi, khoa học

Trong nhiều giải pháp để nâng cao công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL, Bà Đặng Thị Bích Hiền - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đề nghị, hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL cho Hội đồng đánh giá CTCPL và UBND cấp xã, nhất là các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL. Đồng thời vị lãnh đạo Sở Tư pháp Tây Ninh cũng đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng phần mềm thống kê kết quả xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL. Lý do, các phụ lục thống kê báo cáo theo yêu cầu của Bộ có rất nhiều nội dung, số liệu; khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, báo cáo kết quả xây dựng cấp xã đạt CTCPL ở từng xã sẽ do UBND cấp xã thực hiện nên cần có phần mềm thống kê để việc báo cáo được kịp thời, chính xác.

Bà Đặng Thị Bích Hiền - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh.

Ông Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre kiến nghị, đề xuất với Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đảm bảo khả thi, khoa học, không trùng lặp với nội dung các bộ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá chính quyền cấp xã khác. Đồng thời ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BTP để kịp thời hướng dẫn thực hiện đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật sau khi có Quyết định sửa đổi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ở một góc độ khác, bà Đặng Thị Phụng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang kiến nghị một số phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, sau khi không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập cấp xã, các tỉnh. Do vậy, cần nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về xây dựng cấp xã đạt CTCPL phù hợp với tình hình, điều kiện mới và yêu cầu quản lý nhà nước của từng cấp chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về TCPL về TCPL cần ngắn gọn, đảm bảo tính khả thi, có tính định lượng, cụ thể, thực chất.

Bên cạnh đó, theo vị đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, cần có giải pháp phù hợp trong điều kiện xây dựng chính quyền cấp xã có phạm vi, địa bàn quản lý rộng, việc trung ương định hướng bố trí công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã với rất nhiều nhiệm vụ nhưng lại thuộc Văn phòng UBND cấp xã; cấp tỉnh trực tiếp quản lý cấp xã với rất nhiều xã sau khi bỏ huyện, nhập xã, nhập tỉnh. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt CTCPL. Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng và triển khai phần mềm điện tử phục vụ việc đánh giá cấp xã đạt CTCPL, tích hợp dữ liệu điện tử, báo cáo trực tuyến.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đã đánh giá cao sự đóng góp của đại diện Sở Tư pháp các tỉnh. Các tham luận, ý kiến đã rất tâm huyết, thẳng thắn, bám sát vào nội dung của tọa đàm, các thông tin góp ý nhiều chiều, bổ ích cho Đoàn công tác. Thứ trưởng cho biết, trước đây, công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL được nâng cấp lên tới hệ thống chính trị cơ sở, trong đó cả nhà nước và người dân đã đề ra 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu. Sắp tới, công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt CTCPL sẽ được đưa lên một tầm cao mới, lồng ghép không chỉ là PBGDPL, thực thi pháp luật mà còn xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Thời gian tới, theo Thứ trưởng, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện về thể chế theo tinh thần các Nghị quyết của trung ương, trong đó ngoài yếu tố đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật còn phải rà soát những quy định của pháp luật. Những quy định đã ban hành trong thời gian qua, không còn phù hợp, không khả thi trên thực tiễn thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện nay, mỗi bộ ngành, trong đó có Bộ Tư pháp được giao phải rà soát lại các bộ tiêu chí đã triển khai trong thời gian qua. Nếu phát hiện các bộ tiêu chí chồng chéo thì phải giảm bớt.

Đọc thêm