Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc: Cùng nhau phát triển hùng cường, thịnh vượng

(PLVN) - Sáng 8/11, tại thành phố Trùng Khánh, nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối hai nền kinh tế, cùng nhau phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) của các DN hai nước trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh: VGP)

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với chính quyền thành phố Trùng Khánh tổ chức.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã trở thành điểm sáng

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp là yếu tố hết sức quan trọng, tạo những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai bên. Để cụ thể hóa các cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước, vai trò của cộng đồng DN Trung Quốc, Việt Nam là hết sức quan trọng.

Đặc biệt, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm “6 hơn”. Trong đó, với nội dung thứ 3 “hợp tác thực chất sâu sắc hơn”, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã trở thành một điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước với một số kết quả nổi bật.

Tại Trung Quốc, Trùng Khánh có vị trí quan trọng, vị thế đặc biệt, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, logistic hàng đầu của khu vực miền Tây Trung Quốc, điểm tựa quan trọng của chiến lược “Đại khai phát miền Tây” và sáng kiến “Con đường tơ lụa trên bộ”, khởi điểm của Hành lang vận tải trên biển trên bộ mới, trung tâm quan trọng của tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Những năm gần đây, giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trùng Khánh và các địa phương Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh.

Các đại biểu cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Trùng Khánh với các địa phương Việt Nam còn rất lớn và rộng mở. Với việc hai bên đã chính thức xác nhận thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa Trùng Khánh, các địa phương lân cận với các địa phương Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân hai bên.

Cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển

Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những điểm tương đồng, gần gũi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc cả về tự nhiên, văn hóa, lịch sử. Với những nền tảng đó, rất cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa.

Lũy kế đến hết tháng 10/2024, Trung Quốc có gần 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư đăng ký. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD...

Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế thông thoáng, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo định hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Thủ tướng đề nghị DN hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối hai nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, kết nối giao thông, hạ tầng viễn thông…, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho DN, cho hai nước và Nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.

Về các đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết hiện hai nước đang triển khai hải quan thông minh để đơn giản hóa thủ tục thông quan. Cùng với đó, các cơ quan chức năng hai nước đã và đang triển khai các chính sách liên quan phát triển hạ tầng logistics, hỗ trợ về tài chính, hợp tác kỹ thuật, đặc biệt là tập trung phát triển các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn…, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã hàng hóa…

Ngay tại Tọa đàm, các DN hai nước đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trên nhiều lĩnh vực; trong đó có MOU giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Vận hành hành lang đường bộ, đường biển mới...

Đọc thêm