Phát biểu khai mạc tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PBGDPL đã đạt nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những “vũng trũng” pháp luật cần phải được tăng cường.
Dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, toàn xã hội phải có sự chuyển động, trong đó công tác PBGDPL cũng không loại trừ. Việc tổng kết Chỉ thị 32 là việc làm hết sức cần thiết, để nhìn nhận những kết quả sau 15 năm, thuận lợi khó khăn và những thách thức của công tác PBGDPL trong giai đoạn mới, từ đó đổi mới từ tư duy, nhận thức đến lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới nội dung, hình thức…
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PBGDPL đã đạt nhiều kết quả. |
Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cũng nhấn mạnh, truyền thông về PBGDPL ngày càng quan trọng và là nhiệm vụ chính trị của hệ thống chính trị, cơ quan báo chí. Do vậy, các ý kiến tại tọa đàm sẽ góp phần vào việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
Thông tin về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 và tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên cho biết, tính đến ngày 01/10/2019, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 34/36 Bộ, ngành; 58/63 địa phương; 8/10 báo cáo chuyên đề về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW . Nhìn chung, các báo cáo đã bám sát theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, được xây dựng một cách nghiêm túc, cung cấp nhiều thông tin giá trị.
Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã ban hành Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; các Quy chế, Quyết định. Bộ Tư pháp cũng ban hành một số văn bản liên quan; đồng thời đã tổ chức 02 Hội thảo đánh giá tình hình 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tại Quảng Ninh, Quảng Bình; tổ chức 01 Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và đề xuất định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL; tổ chức 03 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo tại Phú Yên, Khánh Hòa; Bạc Liêu, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ Tư pháp cũng tổ chức một số hoạt động truyền thông phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và các công việc khác cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên thông tin về 3 sự kiện quan trọng sắp diễn ra |
Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW và đặc biệt giai đoạn Luật PBGDPL có hiệu lực đến nay, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên các đối tượng đặc thù của công tác PBGDPL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định với 34 Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, cơ sở pháp lý và nguồn lực cho các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cũng là giải pháp để cụ thể hóa các quy định, trách nhiệm của các cấp, các ngành được quy định trong Chỉ thị 32-CT/TW và Luật PBGDPL.
Chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương được nâng cao; Nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL và đòi hỏi phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cùng tham dự tọa đàm |
Trong đó, có thể kể đến Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, 2017 đã thu hút 269.611 học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đăng ký tham gia; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (Cuộc thi viết: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có 4.855.057 bài dự thi; Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III” với sự tham dự của 189 hòa giải viên chính thức và 252 thành viên khác của 63 đội thi trên cả nước); PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở…và một số hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả cũng được áp dụng cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được từng bước cải thiện, góp phần triển khai công tác PBGDPL đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả trên toàn quốc.
Các điều kiện bảo đảm triển khai công tác PBGDPL và công tác xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luậtđã được quan tâm, chú trọng, góp phần gia tăng hiệu quả thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của công tác PBGDPL. Tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong 15 năm qua, tổng kinh phí dành cho công tác PBGDPL trong cả nước hơn 3.372 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2003-2009 là hơn 658 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2019 là hơn 2.713 tỷ đồng (tăng gấp 4,2 lần). Công tác phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể với các cơ quan trong trong việc PBGDPL được được thực hiện thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn.
Toàn cảnh tọa đàm |
Cùng với việc phát động tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, năm 2019, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên địa bàn thành phố và phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Đây được coi là là những sự kiện điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019.
Nhà báo Nguyễn Chiến Thắng, Báo QĐND phát biểu tại tọa đàm |
Đối với cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” góp phần trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên trong nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL hiện nay. Đặc biệt, việc tổ chức Cuộc thi có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Với đối tượng dự thi là học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên (bảng 1) và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bảng 2), cuộc thi dự kiến diễn ra từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 chia làm 03 vòng thi: Vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết.
Các nhà báo đưa ra nhiều đề xuất nhằm đổi mới công tác tuyên truyền trong thời gian tới |
Tại buổi tọa đàm, các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau đều chung nhận định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến tích cực, trong đó, báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tuy nhiên, cạnh đó công tác PBGDPL trên báo chí cũng còn rất nhiều khó khăn. Từ việc phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc này các nhà báo cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng sinh động, hấp dẫn, có sức lan tỏa nhiều hơn. Đồng thời đề nghị tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin từ Vụ PBGDPL, đặc biệt là các mô hình hay, sáng kiến tốt từ đó nhân lên trên phạm vi rộng.