Toàn cảnh vụ tranh chấp bản quyền hoạt hình "Wolfoo"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vụ tranh chấp bản quyền hoạt hình "Wolfoo" đã diễn ra một thời gian khá dài. Sau sự lên tiếng của Hội Truyền thông số đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ phim hoạt hình Việt Nam, vụ việc lại một lần nữa làm bùng lên sự quan tâm của dư luận.

Bỗng nhiên bị... "đánh gậy"

Wolfoo là bộ hoạt hình do hãng Sconnect sản xuất tại studio của Sconnect. Phim được phát hành trên YouTube từ tháng 6/2018 và nhanh chóng trở thành phim hoạt hình được yêu thích của thiếu nhi trong nước. Các kênh nội dung về nhân vật này có 2.700 tập, thu hút trên 50 triệu người theo dõi, được dịch ra 17 thứ tiếng và phát hành toàn cầu. Phim phát trên nhiều nền tảng như mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok; Netflix, kênh truyền hình, nền tảng online của nhiều quốc gia từ năm 2018 tới nay. Wolfoo cũng đạt 3 nút kim cương và hàng chục nút vàng, nút bạc của YouTube.

Nhân vật phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig

Nhân vật phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig

Đến nay, Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật); chứng nhận bản quyền kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam. Ngoài ra, Sconnect đăng ký nhiều nhãn hiệu Wolfoo tại Việt Nam; Nga; Mỹ và EU từ nhiều năm trước đây.

Tuy nhiên, khi Wolfoo đang nổi đình đám trên mạng và tiếp cận khán giả quốc tế, lại xảy ra va chạm với hai doanh nghiệp nước ngoài. Đó là EO và một doanh nghiệp Anh khác, Astley Baker Davies Limited (đều có trụ sở ở London), đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig.

Ngày 11/01/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra Tòa án Moscow liên quan đến vấn đề bản quyền của phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig. Hãng này cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig và liệt kê các video kèm theo đơn khởi kiện.

Ngày 7/7/2022, dựa trên kết quả thẩm định của các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga khẳng định: “Bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. Tòa án Moscow (Nga) đã ra phán quyết: “Buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”.

Không dừng lại, tháng 2/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Vương quốc Anh với các cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig và liệt kê 91 video kèm theo đơn khởi kiện tương tự trước đó.

Dù đơn kiện một phía chưa được Tòa án Anh thụ lý, nhưng phía EO vẫn sử dụng điều này để báo cáo và đánh bản quyền rất nhiều video Wolfoo, bao gồm cả các video trong và ngoài đơn khởi kiện mà EO đã nộp. Đáng nói là mặt dù không có chứng cứ xác đáng, YouTube vẫn gỡ toàn bộ các video bị đánh bản quyền, kể cả các video không liên quan đến đơn khởi kiện của Wolfoo.

Đến nay, YouTube đã khoá hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect.

Theo Sconnect cho biết, các hành vi này đã gây thiệt hại khoảng 844.200 USD (tương đương với gần 20 tỷ VNĐ) cho Sconnect cùng với các thiệt hại phi vật chất khác như danh tiếng, thương hiệu, tổn thất tinh thần, các mối quan hệ hợp tác, đầu tư...

Hành trình khiếu nại

Tháng 3/2022, Sconnect đã nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm Khoản 3, 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh). Tháng 8/2022, Sconnect đã gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ.

Ngày 19/8/2022, Sconnect đã nộp đơn khởi kiện EO ra TAND TP Hà Nội. Trong đơn khởi kiện thứ nhất gửi tới TAND TP Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig (đây là hành vi vi phạm Điểm b, Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ); đồng thời đề nghị Tòa xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.

Ngày 15/9/2022, Sconnect Việt Nam đã gửi đơn khởi kiện EO lên TAND TP Hà Nội vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo.

Trong đơn khởi kiện thứ hai Sconnect đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét và ra phán quyết yêu cầu: Buộc EO chấm dứt tất cả các hành vi vi xâm phạm quyền tác giả đối với Bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo; Phim hoạt hình Wolfoo bao gồm cả hành vi đánh dấu vi phạm bản quyền các Phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube. Buộc YouTube(Google) và EO khôi phục toàn bộ các video phim hoạt hình Wolfoo bị EO đánh dấu là vi phạm bản quyền trên YouTube. Buộc các tổ chức, doanh nghiệp không tiếp nhận và hỗ trợ EO thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sconnect đối với các Phim hoạt hình Wolfoo. Đồng thời EO cần cải chính và công khai xin lỗi Sconnect trên 3 bài báo quốc tế. Sconnect cũng yêu cầu EO bồi thường số tiền tạm tính đến ngày 12/09/2022 là 844.200 USD.

Trong tháng 9, Sconnect Việt Nam đã gửi đơn đề nghị Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) xem xét, hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn của Sconnect về việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị này đang bị doanh nghiệp nước ngoài xâm hại nghiêm trọng.

Thụ lý vụ việc, mới đây, Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã gửi văn bản đến Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

VCDA cho rằng, Sconnect đang phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ quyết định của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian là YouTube và Facebook, trên cơ sở căn cứ theo hoạt động khiếu nại và hồ sơ khởi kiện chưa được tòa án thụ lý của EO tại Vương quốc Anh.

VDCA đã đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả xem xét đầy đủ hồ sơ vụ việc. Đồng thời có văn bản chính thức gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian YouTube, Facebook cho phép giữ nguyên hiện trạng của Sconnect và EO trước quá trình khiếu nại, khởi kiện của EO đối với Sconnect cho đến khi có phán quyết chính thức của một trong các tòa án mà các chủ thể quyền đang khởi kiện tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội (nơi Sconnect khởi kiện EO) và tòa án tại Vương quốc Anh (nơi EO khởi kiện Sconnect).

VDCA cũng gửi văn bản cho bà Liên Nguyễn, cố vấn cao cấp về chính sách của Google cho thị trường Việt Nam đề nghị YouTube xem xét đầy đủ, thấu đáo hồ sơ vụ việc, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, cho phép giữ nguyên hiện trạng của Sconnect và EO trước quá trình khiếu nại, khởi kiện của EO đối với Sconnect cho đến khi có phán quyết chính thức của một trong các tòa án mà các chủ thể quyền đang khởi kiện tại tòa án nhân dân TP. Hà Nội (nơi Sconnect khởi kiện EO) và tòa án tại Vương quốc Anh (nơi EO khởi kiện Sconnect).

Hiện vụ việc đang nhận sự quan tâm của dư luận trong nước. Hy vọng rằng, vụ việc sẽ sớm đi đến hồi kết, đem lại công bằng cho doanh nghiệp Việt đang nỗ lực sáng tạo để khẳng định vị trí trên thị trường Việt.

Đọc thêm