Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã đạt được những kết quả nhất định.
Việt Nam đã ngăn chặn và kiểm soát thành công nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, MER-CoV, Ebola…; năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát với quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử. Sau hơn 03 năm, dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; ngày 20/10/2023, góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thực tiễn trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, bên cạnh các giải pháp chuyên môn y tế, các giải pháp hành chính xã hội khác đã được thực hiện đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành địa phương. Công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng được giữ vững, ổn định tạo nền tảng vững chắc để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; công tác an sinh xã hội, bảo đảm việc làm, chăm lo sức khỏe góp phần duy trì ổn định đời sống của Nhân dân; công tác sản xuất và lưu thông hàng hóa được đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ nhu cầu Nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: Tuấn Dũng |
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi; các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể; số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm.
Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.
Căn cứ tình hình dịch bệnh, thực tiễn phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch COVID-19, Bộ Y tế đã đưa ra chủ đề ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là “toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh" nhằm kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.
Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa ra thông điệp hưởng ứng: "Từ bài học của đại dịch COVID-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn".
Thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế
- Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh
- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
- Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở
- Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh
- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển
- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng
- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn
- Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng
- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh khi điều trị bệnh
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời
- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người
- Thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.