Toàn quân đảm bảo thực hiện có hiệu quả quyền con người

(PLVN) - 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020”, cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người trực tiếp làm công tác điều tra, được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính trong toàn quân đã bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Không có trường hợp bức cung, dùng nhục hình

Sáng qua (22/1), Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn); pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020” theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của 158 điểm cầu. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì Hội nghị.

Công ước Chống tra tấn được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 28/11/2014. Dù phê chuẩn muộn nhưng quy định về bảo vệ quyền con người, chống tra tấn, đánh đập, ngược đãi, hành hạ con người ở Việt Nam được ghi nhận từ rất sớm. Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận quyền bảo vệ tính mạng sức khỏe con người. Từ đó đến nay, quy định về bảo vệ con người ở nước ta luôn được phát triển, hoàn thiện. 

Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Để đảm bảo thực hiện đúng chế định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, pháp luật nước ta đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp vào Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, ngày 5/4/2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Đề án Tuyên truyền chống tra tấn trong Quân đội giai đoạn 2016-2020. 

Trong quá tình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp trong toàn quân đã thực hiện đúng các quy định về khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ quyền con người. 

Viện Kiểm sát (VKS) quân sự các cấp trong toàn quân thực hiện nghiêm túc chủ trương: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”. Kết quả, không để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng Tòa án lại tuyên bị cáo không phạm tội. Các CQĐT hình sự các cấp chưa để xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. 

Bên cạnh đó, VKS quân sự trong toàn quân luôn làm tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, duy trì chế độ kiểm sát định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót có thể xảy ra. Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân. Các trại giam không để xảy ra trường hợp tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, đối xử tàn bạo, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành án, người bị tạm giữ, tạm giam. 

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, 5 năm qua, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 54.878 vụ/109.777 đối tượng; khởi tố 4.233 vụ/5.334 đối tượng vi phạm pháp luật. Việc truy tố người phạm tội đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chưa có trường hợp nào truy tố oan người không có tội.

Đối với công tác thi hành án, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong BĐBP tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho các bị án mà Tòa án tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo được hòa nhập với đơn vị, được lao động, công tác theo từng vị trí phù hợp, không bị phân biệt, đối xử, kỳ thị.

Góp phần phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, việc ban hành Đề án có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, xây dựng tinh thần đoàn kết; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

5 năm triển khai thực hiện Công ước, các đơn vị trong toàn quân đã thực hiện đa dạng hóa và thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn, bảo đảm chất lượng và hiệu quả ở các đơn vị. Đặc biệt đã đưa nội dung tuyên truyền của Đề án vào chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng trong toàn quân; kết hợp phương pháp tuyên truyền, phổ biến truyền thống với hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện trình chiếu để hỗ trợ nâng cao chất lượng tuyên truyền. 

“Các cơ quan, đơn vị đã chủ động củng cố kiện toàn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực” - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.  

Đọc thêm