Sức phản chiếu của khoảng 80 tấn vàng dát trên thân tháp ở độ cao 98,9m đủ sức làm loé mắt bạn dù ở khá xa. Quanh ngọn tháp chính tọa lạc trên diện tích hơn 21ha là 74 ngôi chùa nhỏ và 4 ngôi chùa lớn với hàng nghìn tượng Phật lớn nhỏ nạm vô số viên kim cương và ngọc quý. Chùa Vàng lúc nào cũng nườm nượp phật tử từ khắp đất nước Myanmar và thế giới đến hành lễ, ngồi thiền, du khách tham quan. Vé vào cửa cho một người là 5USD.
Lời kể trầm bổng của cô hướng dẫn viên Chin Chin đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử: Vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, hai anh em nhà buôn Tapussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và được giác ngộ về đạo Phật nên đã về Myanmar xây chùa vàng Shwedagon. Hai nhà buôn còn mang hai bảo vật là tám sợi tóc của Đức Phật và một nhánh rễ cây bồ đề nơi Đức Phật chứng ngộ về trồng tại chùa.
Đến nay trải qua hơn 2.500 năm, tám sợi tóc của Đức Phật vẫn được lưu giữ trong lòng tháp vàng cùng với bộ áo cà sa, cây gậy của các vị Phật và 3 bộ tàng kinh. Còn nhánh rễ cây bồ đề khi xưa đã thành một “cụ” bồ đề hơn 2.500 tuổi với đường kính gốc gần 2m và tán lá xanh rì rào rậm rạp đang tỏa bóng che mát cho chúng tôi dưới cái nóng hầm hập hơn 38 độ C.
Chùa ở Yangon |
Lúc đầu tháp chỉ được xây bằng gạch, cao 26m, không được dát vàng. Đến thế kỷ 15, một vị nữ vương rất tin vào Tam bảo nên đã cung tiến 41kg vàng, bằng đúng trọng lượng cơ thể của bà để dát lên tòa tháp. Noi gương mẹ, thái tử con nữ vương cũng cung tiến số vàng bằng trọng lượng thân thể để dát tiếp lên tháp. Từ đó đến nay, phong tục cung tiến vàng, ngọc dát lên tháp cứ nhân lên theo lòng kính yêu Đức Phật của các phật tử đất nước này.
Sau nhiều lần trùng tu, nâng cấp ngọn tháp Chùa Vàng Shwedagon hiện tại cao 98,9m, được dát 80 tấn vàng và nạm 89. 994 viên ngọc quý. Quả cầu trên đỉnh tháp có đường kính 9 inch nạm 1.600 viên hồng ngọc, tổng trọng lượng 1.800 cara, trong đó viên to nhất 76 cara. Qua thời gian, 20 tấn vàng đã bị mưa gió bào mòn nên ước tính số lượng vàng trên tháp còn vào khoảng 60 tấn. Cứ 5 năm, tháp lại được bảo dưỡng.
Một điều kỳ diệu là Chùa Vàng Shwedagon vẫn vững như bàn thạch qua 8 trận động đất và một đám cháy lớn vào năm 1931. Dường như lòng kính yêu Phật của hàng triệu phật tử đã giữ ngôi chùa trường tồn hơn 2.500 năm, vượt qua sự khốc liệt của thiên tai. Tôi bỗng “ngộ” ra vì sao cuộc sống của người dân Myanmar còn khổ ải, lạc hậu, theo cách đánh giá hiện đại, song nụ cười bình an lại nở trên môi nhiều người đến vậy.
Từ những nhà sư đi khất thực đầu trần chân đất, đến các chị quét rác gầy guộc. Từ những người buôn thúng bán bưng đến các bà chủ hiệu vàng ngọc đều an hòa vui vẻ, thân thiện với du khách. Chin Chin cho biết, những người theo đạo Phật ở Myanmar thường chọn các nghề xã hội, họ không đi theo con đường kinh doanh.
Cả nước có đến 450.000 nhà sư nam và 28.000 nhà sư nữ, nhiều hơn hẳn số lượng quân sĩ trong quân đội là 300.000. Các phật tử rất mộ đạo. Sáng sớm trước khi đi làm, buổi chiều sau khi tan sở, họ đều đến chùa cầu nguyện và cảm ơn Đức Phật với một vẻ hài lòng, thảnh thơi hiện rõ trên nét mặt. Họ dẫn theo những đứa trẻ lớn, bế theo cả các đứa còn ẵm ngửa.
Chùa Đá vàng ở Myanmar |
Lễ vật chỉ là hoa, quả, nến và những lá vàng dát mỏng để dát tượng Phật. Trong chùa sực nức mùi hương hoa. Tuyệt nhiên tiền không được đặt như một thứ lễ vật. Tiền công đức được bỏ vào các hòm kính. Thu nhập của người dân không cao, nhưng họ cung tiến rất nhiều vàng dát chùa. Ngay cả các bức tường trong chùa cũng được dát vàng sáng chói.
Tôi đã ngỡ ngàng trước trùng điệp tượng vàng, tượng ngọc, chùa vàng..., đã được đặt chân lên nền gạch bạc, gạch vàng lát chùa ở Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc..., đã trầm trồ trước sự sùng kính, mến yêu Đức Phật của người dân các nước này. Song tới Shwedagon, dường như có một thứ ánh sáng kết tinh từ lòng tin thuần khiết của hàng triệu trái tim phật tử đất này làm bừng thức chân lý trong tôi.
Lịch sử hình thành Shwedagon là sự tỉnh thức, cởi bỏ tham vọng, là ước mơ về một thế giới coi thứ quý nhất không phải vàng ngọc, mà là tình yêu hồn nhiên không vụ lợi, là sự bình an của tâm hồn. Đó là “Phật”, tôi đã thấy “Phật” ở Myanmar!