Tội phạm không có nhiệm kỳ

(PLO) - Chỉ sau gần một tháng quyết liệt ra quân phòng, chống tội phạm ở TP HCM theo chỉ thị của Bí thư Thành ủy, gần một trăm vụ án được phá, nhiều tên trộm cướp táo tợn bị bắt, tội phạm ma túy bị phanh phui,... 

Tệ nạn trộm cướp lộng hành bấy nay tại thành phố này khiến dân tình lo sợ, xã hội bất an, lòng người bất ổn... hẳn tồn tại từ nhiệm kỳ trước nhưng không vì thế mà người kế nhiệm để mặc hoặc đổ lỗi cho những người tiền nhiệm. Khi cơ quan bảo vệ pháp luật lơi lỏng thì tất yếu tội phạm lộng hành, tội phạm không có nhiệm kỳ!

Ở một diễn biến khác, tại Ba Vì (Hà Nội), nhiều căn biệt thự không phép đã mọc lên nhưng cứ phải để tồn tại với lý do là “do nhiệm kỳ trước để lại”(?!). Cứ theo kiểu quản lý xã hội thế này thì nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục học tập, làm theo nhiệm kỳ trước và nhiều sự không phép khác sẽ mọc lên, nghiêm trọng hơn và chẳng ai chịu trách nhiệm và bị xử lý cả. Kế nhiệm nhưng chỉ kế thừa chức vụ, quyền hạn chứ không kế thừa trách nhiệm, phải chăng chính điều này là nền tảng cho “tư duy nhiệm kỳ”?

Có một hiện tượng khá phổ biến là chỉ sau kết thúc nhiệm kỳ hoặc người lãnh đạo “ra đi” thì những sai phạm trong quản lý (kể cả tham nhũng) mới bị khơi ra theo kiểu phát hiện, mặc dù những sai phạm (kể cả tội phạm) đã tồn tại từ lâu, nhiều người biết, thậm chí có cả tố cáo nhưng bị làm ngơ hoặc bị dập đi.

Khi đó, người có trách nhiệm đã “hạ cánh an toàn” rồi, chẳng thể làm gì được họ nữa. Những việc như “chào quan sở” doanh nghiệp phải chi 10 triệu hoặc “ra mắt” các nhà quản lý 5 triệu hay bảo kê lò gạch thổ phỉ 250 triệu, hoặc nữa, đòi 5 ngàn đô cho một thủ tục cấp phép xây dựng..., chỉ được phanh phui vào lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyển giao thế hệ”. Nói một cách khác, khi sự "bảo kê" quyền lực không còn duy trì thì sai phạm mới được phanh phui.

Nếu không có sự bảo kê thì những hoạt động phi pháp không thể tồn tại kéo dài, không có sự dung túng thì tội phạm không thể lộng hành. Điều đó rõ như ban ngày mà bề nổi của nó là thịnh hành hành vi “chạy”, “đóng hụi chết” hoặc “chào xã giao”,“tạo quan hệ”...

Vì thế, hơn bao giờ hết, trách nhiệm của người đứng đầu (dù ở đơn vị nhỏ nhất) cũng luôn luôn phải xác định, phải thực hiện, phải gương mẫu... đặc biệt, phải quy trách nhiệm, chỉ rõ tình trạng “cái ghế lung lay” của họ thì nhiệm kỳ nào ra nhiệm kỳ đó, chứ không phải “để cho nhiệm kỳ sau làm” hoặc đổ lỗi cho nhiệm kỳ trước!

Đọc thêm