Tội phạm thù ghét gia tăng mạnh tại Mỹ

(PLO) - Chia sẻ tại buổi nói chuyện ở Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa qua, Trung úy Brett Parson thuộc Sở Cảnh sát Washington, Mỹ cho biết, từ tháng 1/2017 tới nay, tại Mỹ đã có sự gia tăng số lượng các vụ tội phạm liên quan đến thù ghét, định kiến. 
Ông Parson.

Tại buổi nói chuyện, ông Parson cho hay, với hơn 300 triệu dân, Mỹ là một đất nước đa dạng về chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng tình dục… Tuy nhiên, chính sự đa dạng này cũng đã làm nảy sinh nhiều xung đột, với hệ quả là hành vi thù ghét nhắm vào những nhóm người có sự khác biệt về một trong những lĩnh vực nói trên. 

Theo ông Parson, mọi người có thể tin vào một điều gì đó và có thể nói ra những suy nghĩ của mình, đó là tự do ngôn luận. Song, luật pháp Mỹ không cho phép việc phân biệt đối xử, phá hoại, lấy tài sản… của người khác vì sự khác biệt và hành vi phạm  tội vì những suy nghĩ kỳ thị, định kiến trong đầu với các nhóm người khác biệt với mình chính là tội phạm thù ghét. 

Để cung cấp một bức tranh rõ ràng về dạng tội phạm này ở Mỹ, ông Brett A. Parson cho hay, trong năm 2015, tại Mỹ đã có 5.818 vụ phạm tội thù ghét với 7.121 nạn nhân. Trong số này, 59,2% số vụ việc có liên quan tới sự kỳ thị về chủng tộc, sắc tộc, gốc tích; 19,7% vụ kỳ thị tôn giáo; 19,8% kỳ thị về giới; và 1,2% kỳ thị về khuyết tật. 

Đặc biệt, ông Parson lưu ý rằng, internet có thể làm con người ta dễ dàng lan tỏa, truyền bá những thù hận, định kiến, thiên kiến dễ dàng. Từ tháng 1/2017 tới nay, tại Mỹ đã có sự gia tăng số lượng các vụ tội phạm liên quan đến thù ghét, định kiến dựa trên cơ sở liên quan đến tôn giáo, gốc tích, sắc tộc…

Vẫn theo ông Parson, trong lịch sử Mỹ đã có nhiều đạo luật ra đời để bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế và chống sự thù ghét, phân biệt đối xử, với đạo luật đầu tiên là Luật Quyền Dân sự được ban hành năm 1968 nhằm truy tố các đối tượng có hành vi xâm phạm tới chủng tộc, màu da, tôn giáo hay gốc tịch của người khác; bảo vệ nạn nhân khi tham gia vào một trong sáu loại hình hoạt động được nhà nước bảo vệ.

Tiếp sau đó, Luật Kiểm soát Tội Bạo lực và Hành pháp ra đời năm 1994 đã nâng mức phạt với những hành vi thù ghét do kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc tịch, sắc tộc, hay giới. 

Năm 1996, Mỹ đã ban hành Luật Phòng chống Đốt phá Nhà thờ nhằm chống lại hành vi bôi nhọ hay phá hủy tài sản của các cơ sở tôn giáo vì lý do chủng tộc, màu da hay sắc tộc. Gần đây nhất, Luật Phòng ngừa Tội phạm Thù ghét Matthew Shepard và James Byrd đã được ban hành nhằm điều chỉnh những dạng tội phạm có động cơ nhắm vào giới, xu hướng tính dục, căn tính giới hay đặc điểm khuyết tật. Luật này lấy tên của hai nạn nhân đã thiệt mạng vì hành vi phân biệt đối xử là Matthew Sphepard và James Byrd.

Tuy nhiên, ông Parson khẳng định, hệ thống pháp luật Mỹ đã khá đầy đủ nhưng việc phát hiện và truy tố hành vi thù ghét vẫn không đơn giản. Bởi các sĩ quan cảnh sát sẽ phải chứng minh được động cơ gây án của nghi phạm dựa vào các dữ kiện, hoàn cảnh khách quan, hay những khuôn mẫu của hành vi liên quan. 

Do đó, một bộ tiêu chí đã ra đời để xác định hành vi tội phạm thù ghét. Ông Parson chỉ ra một số dấu hiệu để nhận biết dạng tội phạm này như: tại nơi mà sự việc xảy ra, nạn nhân là thành viên của một nhóm thiểu số so với một nhóm khác; nạn nhân tham gia vào các hoạt động để cổ vũ nhóm của mình; hoặc những chỉ dấu như các bình luận, phát ngôn xuất phát từ nghi phạm. 

Cũng tại buổi nói chuyện, ông Parson đưa ra lời khuyên rằng những người thuộc nhóm yếu thế cần phải giữ tỉnh táo với hoàn cảnh xung quanh hay những người có thể làm tổn hại bản thân để ngăn chặn việc mình có thể trở thành nạn nhân của tội phạm thù ghét. 

Mặc dù vậy nhưng ông cũng khẳng định các nạn nhân không có trách nhiệm ngăn chặn tội phạm thù ghét mà trách nhiệm này thuộc về gia đình, xã hội…

Trung úy Brett Parson tốt nghiệp Cử nhân ngành Tư pháp Hình sự và Thạc sĩ ngành Tư pháp Hình sự và Tư vấn tại trường Đại học Maryland at College Park.

Ông đã phục vụ tại Sở Cảnh sát Washington trong hơn 20 năm và trong ngành thực thi pháp luật Mỹ hơn 30 năm. Ông hiện công tác ở Văn phòng Điều hành của Giám đốc Sở Cảnh sát, phụ trách Bộ phận Liên lạc Đặc biệt của Sở. Ông Parson được công nhận trong và ngoài nước là Chuyên gia về điều tra tội phạm hình sự do các cá nhân của cộng đồng LGBT gây ra hoặc chống lại các cá nhân của công đồng LGBT. 

Đọc thêm