Làm cách nào để 'trói' những 'anh hùng bàn phím'?

(PLO) - “Trong thời đại internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô tình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS.Đặng Hoàng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm CECODES -nhận định như vậy tại hội thảo với chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức ngày 12/4.

Công cụ giết người vô hình

Theo VPIS, Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Đây là tỉ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của mạng xã hội (MXH) trong đời sống xã hội hiện đại, nó cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. 

Trình bày nghiên cứu của VPIS tại hội thảo, TS. Phạm Hải Chung – đồng Trưởng ban Internet & Truyền thông (VPIS) nói rằng, điện thoại thông minh có kết nối internet đã giúp mọi người có thể kết nối với cả thế giới. Nhờ đó mà những vụ việc như cảnh sát khu vực vào khám nhà và nhổ nước bọt vào mặt dân đã bị phanh phui. Nhưng ngược lại, khi những thông tin không được cung cấp đầy đủ hay bị sắp đặt có thể khiến xã hội hiểu sai các vấn đề, như vụ siêu xe lắp biển xanh thực chất chỉ là ô tô đồ chơi. 

Nghiêm trọng hơn, những thông tin và phát biểu trên mạng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, ví dụ như việc công dân tên Phạm Minh Phú thường bị cư dân mạng dùng làm ảnh chế với tên “Thánh Phồng Tôm” khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, có nữ sinh đã tự tử do không chịu được áp lực trước những bình luận ác ý của cư dân mạng xuất phát từ những thông tin đăng tải trên tài khoản facebook “hot teen Đà Thành”.

Theo VPIS, hiện ở Việt Nam chưa có khái niệm đầy đủ về phát ngôn gây thù ghét “hate speech” nhưng có thể tạm hiểu là phát ngôn chế nhạo, phỉ báng, quấy rối, khuyến khích những người có thái độ căm ghét, hay xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay khuyết tật. Kết quả nghiên cứu của VPIS cho biết, 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn như vậy trên MXH. Trong đó 61,7% người sử dụng MXH từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỉ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.

Còn với doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Lê đã gọi một bộ phận những người có những phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp trên MXH là những “anh hùng bàn phím” và cho những phát ngôn gây thù ghét hay các tin giả có thể giết chết doanh nghiệp. “Ví dụ như Sữa dê Danlait, chỉ xuất phát từ việc một bà mẹ viết trên webtretho rằng con mình uống sữa không tăng cân đã tạo ra làn sóng chỉ trích rất mạnh mẽ của những bà mẹ đối với sữa Danlait. Bộ Y tế sau đó đã đảm bảo cho chất lượng của sữa nhưng vẫn không khiến những tấn công dịu lại. Cho đến ngày hôm nay, sữa Danlait gần như đã phá sản chỉ còn kinh doanh cầm chừng cho những người còn tin dùng” – ông Vinh nói.

Ngoài ra, ông này cũng dẫn chứng hàng loạt ví dụ như vụ tin đồn 15 học sinh chết vì uống nước Sting, vụ bài viết mô tả nghề làm yến vô cùng tàn bạo khiến những người sản xuất và kinh doanh các mặt hàng này gặp nhiều rắc rối…

Cần một bộ quy tắc ứng xử trên MXH?

TS.Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm CECODES – cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự “phục sinh” đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công  cộng. “Trong thời đại internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô tình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái hình đại diện đó là một con người bằng xương, bằng thịt” – ông nói.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những phát ngôn gây thù ghét trên MXH, theo TS. Giang, là tâm lý của các cá nhân cho rằng lựa chọn của mình luôn đúng, còn tất cả những người khác không giống mình là sai. Thứ hai là tâm lý bầy đàn, sẵn sàng hùa vào với đám đông để mạt sát người khác. Nguyên nhân thứ ba được kể đến là cảm giác để trả thù cho công lý, chẳng hạn như khi Nhà nước chậm trễ trong việc đảm bảo công lý...

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp đang trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp. Vì vậy, các ý kiến nhất trí với đề xuất của VPIS về việc xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử cho MXH Việt Nam” cùng với đó là tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cứng rắn và cụ thể hơn để giảm thiểu và ngăn chặn những phát ngôn gây thù ghét.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những biện pháp mềm mang tính đạo đức và giáo dục. “Luật pháp rất quan trọng nhưng cũng phải giáo dục các cá nhân tôn trọng ý kiến, cách sống của người khác, tôn trọng sự đa dạng trong xã hội. Giáo dục này phải được thực hiện từ rất sớm để ngay cả học sinh mẫu giáo cũng biết tôn trọng ý kiến của nhau, cô giáo cũng phải tôn trọng học sinh. Bên cạnh đó, mỗi người phải có sự thấu cảm. “Sông có khúc, người có lúc”, phải đặt bản thân mình vào người khác để chúng ta bớt tàn nhẫn với những người khác. Cuối cùng, phải dũng cảm xuất hiện phê bình những việc làm không đúng” – TS. Giang khuyến nghị.  

Đọc thêm