Tội phạm vị thành niên gia tăng: Giải pháp nào ngăn chặn từ gốc?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tội phạm vị thành niên gia tăng là một thực trạng đau lòng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp hiệu quả để ngăn chặn từ gốc.
Một nhóm thiếu niên bị bắt quả tang tụ tập sử dụng ma túy tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Một nhóm thiếu niên bị bắt quả tang tụ tập sử dụng ma túy tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Tội phạm vị thành niên diễn biến phức tạp

Vừa qua, vụ việc một thiếu niên 14 tuổi bỏ bả chó vào sữa khiến cha ruột và bà nội tử vong tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân bước đầu được xác định do người cha thường xuyên say rượu, đánh đập, gây mâu thuẫn với con.

Thời gian qua, nhiều vụ án rúng động cũng từ thủ phạm là các thanh, thiếu niên với mức độ phạm tội nghiêm trọng. Có thể thấy, không chỉ gia tăng về số lượng, càng ngày mức độ, thủ đoạn phạm tội của thanh, thiếu niên càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm, trung bình cả nước có khoảng 13.000 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật từ đua xe trái phép, đánh nhau, gây mất trật tự cho đến nhiều hành vi khác như cố ý gây thương tích. Đặc biệt những năm gần đây còn gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép. Không ít vụ việc cơ quan công an đột kích các “ổ” tụ tập sử dụng ma túy cho thấy nhiều thành viên, nhiều nhóm là thiếu niên chưa đến tuổi thành niên nhưng đã có tiền sử dụng ma túy nhiều năm. Nhiều em vì chích hút ma túy mà bị dụ vào con đường buôn bán chất cấm. Cạnh đó, loại hình tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp dưới 18 tuổi.

Theo một số thống kê cho thấy, tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên sẽ có tỉ lệ, cách thức tương đối khác nhau giữa các vùng miền, khu vực. Tại các thành phố lớn, đô thị đông đúc dân cư, nơi tập trung các khu công nghiệp, tập trung nhiều dân “tứ xứ”, tỉ lệ phạm tội vị thành niên sẽ lớn hơn nhiều, từ đó mức độ phạm tội, hình thức phạm tội cũng đa dạng, phức tạp hơn so với các khu vực nông thôn.

Tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2022 có 2.628 trường hợp phạm tội là thanh, thiếu niên dưới 30 tuổi, chiếm 52,85% tổng số đối tượng bị bắt giữ. Hầu hết những đối tượng này đều phạm tội lần đầu, không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định, trình độ học vấn thấp, lười lao động.

Theo số liệu từ Công an thành phố Hà Nội, năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý 99 vụ, làm rõ 1.458 đối tượng, trong đó có ba vụ với 31 đối tượng có hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, di chuyển tốc độ cao; xử lý hình sự 19 đối tượng. Trong số đó có 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18; đối tượng chủ yếu là học sinh cấp trung học phổ thông; có 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học; hơn 96%, đối tượng chưa có tiền án, tiền sự.

Ngăn tận gốc tình trạng tội phạm trẻ hóa

Tội phạm vị thành niên là một trong những nhóm tội phạm được quan tâm cao ở tất cả các quốc gia. Ở Việt Nam, tội phạm dưới 18 tuổi có tính chất đặc thù, được pháp luật quy định thành một nhóm đối tượng riêng, có chính sách đặc biệt. Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội. Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tội phạm vị thành niên ngày càng diễn biến phức tạp, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng mới ở tuổi thiếu niên nhưng đã thực hiện các hành vi phạm tội nghiêm trọng như trộm cướp, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy. Thậm chí có nhiều “trẻ em” có những hành vi phạm tội có tổ chức, có mục đích, tính toán, mưu đồ phạm tội rõ ràng, rành mạch, gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng không ít trường hợp khó xử lý, không thể xử lý vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Những thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn sao cho phù hợp với thực tiễn.

Ngăn chặn tận gốc thực trạng tội phạm vị thành niên gia tăng không chỉ là nhiệm vụ của bất cứ một cá nhân, tổ chức, ban, ngành nào, mà là sự phối hợp, chung tay của toàn xã hội. Cần có cơ chế rõ ràng để huy động và phân định trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Mặt khác, để giảm bớt được tình trạng tội phạm vị thành niên, cần “thay đổi tận gốc” với việc tăng cường giáo dục, đặc biệt là giáo dục về tội phạm, hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên, các vấn đề giáo dục trong gia đình, các chương trình hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Đồng thời, cần có các biện pháp giám sát và đánh giá thường xuyên quá trình tiến triển của các biện pháp ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên để bảo đảm tính hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết.

Đọc thêm