Tôn trọng 'sân chơi' toàn cầu

(PLVN) - Luật pháp thì có hệ thống pháp luật của từng quốc gia và luật pháp quốc tế mà các quốc gia đã tham gia ký kết khi tham gia “sân chơi” chung hội nhập. Thời đại hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, không thể “lý lẽ” một mình.
Ảnh minh họa. Ảnh: T. Thủy

“Công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt”, đây là một trong những nội dung được đánh giá tại Công điện 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung Công điện về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện IUU.

Biển cả rộng mênh mông, nhưng nguồn lợi hải sản không phải là vô tận. Việc thực hiện IUU cũng là nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản cho muôn đời sau, ở các vùng biển quốc tế. Đó là quy định nhân văn có giá trị toàn cầu. Không chấp hành thì “miễn chơi”, không thể đưa sản phẩm vào bán ở thị trường các nước.

Khi ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, Chính phủ nêu quan điểm: “Ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên”.

Cuối tháng 5/2023, Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 sẽ làm việc với các cơ quan hữu trách của Việt Nam.

Tinh thần của Công điện 265/CĐ-TTg mới đây là phải kiên quyết với tinh thần nghiêm khắc và kịp thời, có giáo dục răn đe, nhưng cũng có biện pháp mạnh. Đó là “điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”.

Để bảo vệ hệ sinh thái biển, vì sự phát triển bền vững, vấn đề “kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container theo khuyến nghị của EC”, được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Tinh thần là dứt khoát, khi tại công điện đã nêu đích danh một số tỉnh như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đã đến lúc, đồng thời với việc tuyên truyền, vận động; còn phải kiên quyết xử lý sai phạm; và về hành lang pháp lý cũng cần tiếp tục hoàn thiện; rà soát, bổ sung các nghị định về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản...

Đọc thêm