Tôn vinh nghề truyền thống qua bìa sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc đưa lụa tơ tằm, giấy dó, trúc chỉ lên bìa sách đã đem đến những tác phẩm văn học sự độc đáo, mới lạ. Điều này giúp độc giả có thể thưởng thức giá trị văn hóa cùng giá trị tri thức. Đặc biệt, bìa sách bằng lụa, giấy dó, trúc chỉ… góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống Việt.
Bìa sách Những phụ nữ bé nhỏ Được sử dụng chất liệu lụa truyền thống.
Bìa sách Những phụ nữ bé nhỏ Được sử dụng chất liệu lụa truyền thống.

Ngắm lụa tơ tằm, trúc chỉ trên sách

Chất liệu truyền thống Việt Nam rất nhiều và vô cùng giá trị nhưng chưa được khai thác hết. Trước đây khi nhắc đến lụa tơ tằm, người ta thường chỉ dùng nó trong trang phục, làm các phụ kiện hoặc làm các vật dụng trong nhà như chăn, gối… Đây cũng là ý tưởng đã được đơn vị phát hành Phuc Minh Books ấp ủ từ rất lâu cho đến khi cơ duyên gặp được nghệ nhân thủy ấn Đồng Phước Quang.

Lụa được làm bìa sách là lụa tơ tằm được nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tơ tằm của Việt Nam. Đây là loại lụa tự nhiên 100% nên có độ óng, độ mềm mịn và khi sờ rất mát. Lụa sẽ được nhuộm cà phê tự nhiên trước khi đem đi thủy ấn.

Mới đây, Phuc Minh Books đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Những người phụ nữ bé nhỏ” với bốn phiên bản độc đáo. Trong đó, hai phiên bản bìa lụa thủy ấn khổ to và phiên bản vi quyển được độc giả chú ý bởi vì đã sử dụng chất liệu lụa truyền thống để làm bìa sách.

Được biết, cà phê để nhuộm lụa cũng phải là cà phê nguyên chất. Trong quá trình nhuộm màu, người làm phải liên tục đảo đều tay, để cà phê được ngấm đều trên lụa. Đợi màu lên đúng chuẩn thì xả lụa với nước cho đến khi nước trong vắt rồi đem đi phơi. Lụa phơi cần để chỗ nắng vừa để lụa có độ óng và mượt. Sau khi khô, lụa sẽ có màu nâu nhạt và thoang thoảng hương cà phê rất đặc trưng. Sau khi nhuộm màu cho lụa là đến quá trình thủy ấn.

Nghệ nhân thủy ấn Đồng Phước Quang chia sẻ: “Điều làm tôi thích thú nhất khi làm thủy ấn chính là quá trình màu loang trên mặt nước. Từng màu sắc loang dần ra, hết sức ảo diệu, sau đó tới bước tạo hình cho các vân màu. Chính sự loang của màu sắc này đã tạo nên những vân màu hết sức tự nhiên và không lặp lại. Sự độc bản duy nhất của thủy ấn chính là điều mà tôi theo đuổi”.

Chất liệu thuần tự nhiên 100% như thế này vừa gần gũi với tự nhiên lại vừa gần gũi với con người. Đặc biệt với một cuốn tiểu thuyết viết về chủ đề nữ quyền và thiên tính nữ như “Những người phụ nữ bé nhỏ” thì việc sử dụng chất liệu lụa tơ tằm vừa đầy tính sáng tạo lại rất hài hòa và hợp lý.

Thực tế, dù ngôn ngữ phương tiện số phát triển mạnh, nhưng đời sống của sách in vẫn ngày càng phong phú. Để thuyết phục và duy trì văn hóa đọc, đặc biệt là những người trẻ thích sưu tập sách, tích lũy các giá trị văn hóa và thẩm mỹ, giới làm sách Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư cho sách ngày càng đẹp và bền.

Nâng tầm giá trị văn hóa và tri thức

Từ trăm năm trước, giấy dó là chất liệu làm tranh dân gian Đông Hồ rất được ưa chuộng. Trước năm 1945, bản đặc biệt của nhiều tác phẩm như: “Lều chõng”, “Việt Nam sử học”, “Đại Việt sử ký toàn thư” đã được in bằng giấy dó và nay vẫn còn bền đẹp. Nhận thấy giấy dó dân dã, mộc mạc, thuần Việt, có tính ứng dụng cao, Mai Hà Books đã in 105 bản đặc biệt “Kim Vân Kiều” cả bìa và ruột đầu bằng giấy dó, phụ bản dó đặt trong hộp sơn mài do các nghệ nhân làng nghề Hạ Thái chế tác và để trong túi lụa thêu đàn nguyệt - kết tinh sức sáng tạo của sơn mài và kỳ công in trên giấy dó.

Ngày xưa làm giấy dó để viết chữ Nho, làm sách cho học trò, viết các văn bản của quan lại triều đình… Nhưng sau này từ thời Pháp thuộc, học trò, công sở đều dùng giấy Tây, giấy dó chỉ dùng vào việc viết chữ Nho, viết gia phả và các văn bản cần giữ lâu dài trăm năm, nghìn năm. Sách in bản giấy dó thường là sách quý đắt tiền. Giấy dó với khổ lớn, độ dày đặc biệt còn để làm bằng, sắc quý vua ban, viết gia phả lưu giữ trăm năm, nghìn năm. Giấy này phải qua khâu nhuộm vàng bằng nước hoa hòe, nghè bằng đá cho rắn đanh, vẽ phun kim nhũ tinh xảo nên giá thành mỗi tờ rất cao.

Ngoài giấy dó, trước đó Thái Hà Books từng phối hợp với họa sĩ Phan Hải Bằng đem nghệ thuật trúc chỉ vào 6 bìa sách: Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, ba bìa sách “Hồi ức về kinh thành Huế” đầu thế kỷ XIX. Trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật trên giấy của người Việt được khai thác từ nguyên liệu xơ sợi của rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, cỏ...

100 bản đặc biệt của “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” có bìa bồi vải lanh, tranh bìa thêu trên nền vải lanh. Chất liệu Việt này được phụ nữ dân tộc H’Mông làm thủ công trải qua 41 công đoạn từ tước cây lanh lấy vỏ, se sợi, dệt vải, vẽ họa tiết thổ cẩm nhiều màu...

Tôn vinh chất liệu truyền thống Việt là một điều rất đáng quý, nhưng làm sao để chất liệu truyền thống được “sống” trong môi trường hiện đại lại là một điều không hề đơn giản. Chính vì thế, sắp tới đây, Phuc Minh Book dự định sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu thêm các sản phẩm thủ công truyền thống để kết hợp với việc làm sách, để mang đến những sản phẩm chất lượng và độc đáo hơn nữa. Những cuốn sách thực sự là tác phẩm nghệ thuật.