Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, được xuất hiện trang trọng, lịch sự, duyên dáng trong các dịp lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương và của từng gia đình.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc và tiếp biến văn hóa, tà áo dài có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống đương đại nhưng ở thời kỳ nào cũng vẫn giữ trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Chào mừng kỷ niệm 92 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” vừa diễn ra như một sự kiện tiếp nối trên hành trình đưa các giá trị của áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam.
“Tinh hoa Áo dài Việt” tổng hòa các tiết mục nhạc kịch đặc sắc tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và các màn trình diễn áo dài khắc họa đậm nét vẻ đẹp và tình yêu với áo dài. Chương trình do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, có sự đồng hành của Công ty Sen Vàng và Nhà hát Kịch Việt Nam.
Chương trình giới thiệu những bộ sưu tập áo dài cao cấp, tinh xảo, sang trọng từ nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và các học trò. Đó là các bộ sưu tập "Giấc mơ" (Đỗ Trịnh Hoài Nam), "Sen Việt" (nhà thiết kế Hồng Thương), "Tinh hoa hội tụ" (nhà thiết kế Thế Liễu), "Hào quang" (Huyền Nguyễn)… Đó là những bộ sưu tập áo dài vừa đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, vừa thể hiện được nét đẹp truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở thời đại theo 3 chủ đề nổi bật: Cội nguồn, Tinh hoa và Hội nhập....
Trước đó, ngày 15/10/2022, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội", bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May SH từ Thừa Thiên Huế - đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới văn hóa, với quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.
Theo Thủ tướng áo dài giản dị, chi phí vừa phải, phù hợp nhưng tôn vinh lên rất nhiều vẻ đẹp của người phụ nữ, được phụ nữ lựa chọn cho các dịp quan trọng, nên rất xứng đáng được ghi danh, tôn vinh trong nền văn hóa của Việt Nam. Nhiều vị khách nữ quốc tế đến Việt Nam cũng lựa chọn áo dài.
Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia. Nếu các quy định của pháp luật không phù hợp thì cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với lòng dân. Nếu vướng về thể chế thì gỡ vướng thể chế, nếu vướng về thủ tục thì gỡ về thủ tục.
Có thể nói, trong dòng chảy của lịch sử, áo dài đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng tinh hoa văn hóa Việt, ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Vì lẽ đó, từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng, phát động các tầng lớp phụ nữ trong cả nước hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” định kỳ hàng năm vào tuần đầu tháng 3 để tôn vinh áo dài Việt Nam, với nhiều hoạt động phong phú: đồng diễn, trình diễn áo dài, các cuộc thi duyên dáng áo dài, tặng áo dài cho phụ nữ khó khăn ở các địa phương.
“Bằng các hoạt động thiết thực, Hội LHPN Việt Nam mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc và giá trị nhân văn đối với đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản văn hóa thế giới” - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh tại chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” vừa diễn ra.