Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phải làm rõ nguyên nhân khiến các chính sách chậm vào cuộc sống

(PLVN) -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được thực hiện tốt, những chủ trương, chính sách nào còn chưa vào được cuộc sống. Cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chể hóa và tổ chức thực hiện. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII diễn ra sáng nay (7/10) tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5/2019) xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, gửi Đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.

Tiểu ban Văn kiện đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề cương chi tiết, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện và trình Trung ương hôm nay.

Làm rõ những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện

Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một Báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào ngày 27/9 vừa qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung nêu trong Tờ trình. Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao?. Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện?. Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chể hóa và tổ chức thực hiện. 

Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Về Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Báo cáo là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5-10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến về các vấn đề nêu trên, chú ý đến những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau để Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, con người

Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới.

Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hòa; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách.

Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực, địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019. Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, từ đó xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020, các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020.

Đồng thời, cần chú ý đến những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; quản lý nhà nước về văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải cách hành chính; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công...

Giải pháp cho công tác xây dựng Đảng phải có tính khả thi

Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Đây là báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng.”

 Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ Khóa XIII; những kiến nghị của các cấp ủy, tổ chức đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

 Trong đó, chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp.

Đọc thêm