Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà ngoại giao không được để vướng vào tham nhũng, tiêu cực

(PLO) - “Cán bộ ngoại giao phải không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch; chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không để vướng vào tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao (HNNG) lần thứ 30 vào sáng nay (13/8).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là năm 2017, đạt nhiều kết quả quan trọng, là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. 

Công tác đối ngoại đã giúp duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định; phục vụ phát triển kinh tế; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế; góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý tuyệt nhiên không tự mãn với kết quả đã đạt được, bởi trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. 

“Tôi đề nghị các đồng chí kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những thành tựu kể trên để xem chúng ta đáng lẽ có thể đạt kết quả nhiều hơn không, tốt hơn không, có bỏ lỡ hoặc không tận dụng triệt để cơ hội nào không? Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những ‘điểm nghẽn” nào cần tháo gỡ hoặc khâu “đột phá” nào cần mở ra?”, Tổng Bí thư nêu một loạt câu hỏi.

Về phương hướng trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Bộ Ngoại giao cần bám sát nghị quyết Đại hội XII và của Trung ương để đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Tán thành với các nhiệm vụ và giải pháp mà lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã nêu, Tổng Bí thư gợi mở 8 vấn đề. Trong đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại. 

“Những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo thông thường, nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thì không theo kịp sự phát triển của tình hình. Vấn đề là chúng ta có dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt đến tầm quốc tế và khu vực không?”, Tổng Bí thư nói.

Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương: tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 06 của Ban chấp hành trung ương về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta đang gia nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới...

Đặc biệt, Tổng bí thư cho rằng, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, ngành ngoại giao phải chú trọng công tác xây dựng ngành, tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo bồi dưỡng cán bộ. 

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngành ngoại giao, nhất là Bộ Ngoại giao, cần tích cực thực hiện các chủ trương và cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý sắp xếp bộ máy của Bộ Ngoại giao từ các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài tới các đơn vị trong nước, hướng tới tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý theo Nghị quyết trung ương 6 khóa XII. 

Về công tác cán bộ, nhắc lại bài học của Đảng ta “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chúng ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, công tác cán bộ cũng phải đáp ứng yêu cầu này.

“Cán bộ ngoại giao phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch, chủ động, tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không để vướng vào tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Theo Tổng Bí thư, càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần phải có những nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị, đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế. Nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, phải luôn lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của chế độ làm kim chỉ nam cho hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân; phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Hội nghị Ngoại giao lần này sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng ngành. 

“Bác Hồ đã căn dặn: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 6 và 7 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết về đổi mới sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của HNNG 30 là cụ thể hóa tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, ngang tầm khu vực, dần tiệm cận đạt tới trình độ quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay.

Đọc thêm