Tổng Công ty Điện lực Dầu khí: Được gì sau 1 năm là doanh nghiệp cổ phần niêm yết?

(PLVN) - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Dù năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị chuyên sản xuất điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đặt mục tiêu doanh thu hơn 35.000 tỷ đồng.
Năm 2020, PV Power đặt kế hoạch sản lượng điện của Nhà máy Nhơn Trạch 2 là 4,5 tỷ kWh

Cổ phiếu “Blue-Chip” trên sàn

Báo cáo tại Đại hội, ông Hồ Công Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho rằng, 2019 là một năm trọn vẹn PV Power hoạt động theo chuẩn mực công ty cổ phần niêm yết. Một sự thay đổi lớn về mô hình quản lý, cũng là năm mà đơn vị gặp nhiều khó khăn, bất thường về nguồn nhiên liệu cũng như thời tiết. Song, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, người lao động, PV Power hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh do ĐHĐCĐ giao ở tất cả các mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể, sản lượng điện toàn Tổng Công ty cả năm đạt 22,54 tỷ kWh, vượt 4% so với kế hoạch cả năm và vượt hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu toàn Tổng Công ty cả năm đạt 35.948 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế toàn Tổng Công ty cả năm đạt 3.165 tỷ đồng... Nộp ngân sách nhà nước toàn Tổng Công ty cả năm đạt 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tập thể Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động PV Power đã luôn nỗ lực và quyết tâm để đạt mục tiêu chung là vận hành an toàn, hiệu quả, đảm bảo công tác an toàn, phòng chống cháy nổ tại các nhà máy điện, thực hiện an toàn, chất lượng, đạt và hoàn thành trước tiến độ công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ các nhà máy điện.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, cổ phiếu POW vinh dự được tạp chí Forbes bình chọn vào “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất”. Ngày 20/1/2020, POW chính thức lọt vào top VN30, trở thành một Blue-Chip trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Cùng với đó, mã cổ phiếu POW cũng liên tục thuộc top đầu về thanh khoản trong số các doanh nghiệp kinh doanh điện năng trên sàn chứng khoán và nằm trong top 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất.

Năm 2020, PV Power đặt kế hoạch sản lượng điện 21,6 tỷ kWh, trong đó Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đạt sản lượng 7,04 tỷ kWh, Nhà máy điện Vũng Áng 1 đạt sản lượng 6,25 tỷ kWh, Nhơn Trạch 2 đạt 4,5 tỷ kWh. Về chỉ tiêu kinh doanh, PV Power đặt kế hoạch tổng doanh thu 35.448 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.395 tỷ đồng.

Đầu tư mạnh cho mảng điện khí LNG

Theo lãnh đạo PV Power, với quan điểm phát huy tối đa nội lực, tận dụng các nguồn lực bên ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển PV Power thành thương hiệu có uy tín trong nước và trong khu vực. Trong giai đoạn tới, PV Power tiếp tục khai thác, quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả và ổn định các nhà máy nhiệt điện hiện hữu với các loại hình truyền thống là nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư các dự án điện mới, nghiên cứu mở rộng nguồn nhiên liệu mới, các loại hình năng lượng sạch như điện mặt trời (mái nhà, lòng hồ), điện sử dụng khí LNG…

Theo lãnh đạo PV Power, việc này có ý nghĩa quan trọng khi các nguồn nhiên liệu như than, khí gas đang dần suy giảm. Đây là những bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển Tổng Công ty, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được đa dạng.

Đến thời điểm hiện tại, PV Power đã hoàn thành lập dự án để chuẩn bị đầu tư xây dựng 4 nhà máy điện khí LNG gồm: Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Miền Trung 1 và Miền Trung 2.

Tại Đại hội, các cổ đông bày tỏ sự quan tâm đến một số vấn đề như tỷ lệ chia cổ tức năm 2019; tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện trong đợt Covid-19; tiến độ triển khai các dự án Nhơn Trạch 3&4, Miền Trung 1&2… Những nội dung này cơ bản được Đoàn Chủ tịch trả lời thỏa đáng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, PV Power đã thông qua 12 nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung như Bổ sung sửa đổi Hợp đồng mua bán khí (GSA) của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; Nội dung mua khí bổ sung từ nguồn khí của Petronas (Malaysia) cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2; Sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế chưa phân phối các năm của Tổng Công ty để mua lại cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng của người lao động nghỉ việc trước thời hạn; Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.

Đọc thêm