Nợ phải trả hơn 11 ngàn tỷ đồng
Tổng Công ty Sông Đà (TCT Sông Đà) chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ 6/4/2018. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng doanh thu năm 2018 của TCT Sông Đà đạt 6.312 tỷ đồng, giảm 3.397 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 35%.
Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 đạt 335,5 tỷ đồng, giảm 221 tỷ đồng so với năm 2017. “Qua các số liệu trên có thể thấy kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ chưa tương xứng với tiềm lực của TCT”, đánh giá của Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ quản lý nhà nước về tài chính, tại thời điểm 31/12/2018, tổng các khoản phải thu (dài và ngắn hạn) là 8.015 tỷ đồng, chiếm 51% tổng tài sản, gấp 1,77 lần vốn chủ sở hữu của công ty mẹ.
Trong đó, nợ phải thu về cho vay là 3.798 tỷ đồng gồm: Phải thu CTCP Xi măng Hạ Long khoản cho vay lại là 1.736 tỷ đồng và vốn lưu động 977 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Điện Việt Lào là 873 tỷ đồng, các đối tượng khác là 212 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số nợ phải thu của khách hàng là 3.093 tỷ đồng chủ yếu phải thu các Ban Quản lý dự án thủy điện, công ty con và các công ty liên kết. Trong đó có một số khoản phải thu lớn như: Phải thu của CTCP Thủy điện Nậm Chiến 687,8 tỷ đồng; phải thu của Công ty TNHH Điện Xekaman 1 là 290 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 là 556,8 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, đến thời điểm 31/12/2019, số nợ phải trả của TCT Sông Đà lên tới 11.135 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 5.302 tỷ đồng; phải trả khách hàng và phải trả khác chủ yếu là các công ty con và công ty liên kết là 8.502 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ phải trả. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của toàn công ty cao gấp 2,8 lần.
Chưa thể quyết toán vốn Nhà nước
Ngoài các khoản nợ phải trả lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT Sông Đà, qua kiểm tra của Bộ Tài chính còn cho thấy, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của TCT là 6.226 tỷ đồng (đầu tư vào 38 doanh nghiệp), chiếm 37,9% tổng tài sản. Trong đó đầu tư vào công ty con là 3.509 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 2.561 tỷ đồng.
Thế nhưng, qua rà soát cho thấy, một số khoản đầu tư không mang lại cổ tức, lợi nhuận với tổng giá trị đầu tư là 3.530 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng vốn đầu tư như: CTCP Thủy điện Nậm Chiến; Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà; CTCP Điện Việt Lào; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà. Thậm chí, một số khoản đầu tư đã bị lỗ hoặc mất vốn như: CTCP Sông Đà 3, CTCP phòng cháy, chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà; CTCP Sông Đà 12, CTCP cao su Phú Riềng Kratie...
Liên quan đến quá trình cổ phần hóa, Bộ Tài chính cho biết, TCT Sông Đà chính thức chuyển thành CTCP từ tháng 4/2018 nhưng đến nay quá 1 năm so với thời hạn quy định, Bộ Xây dựng vẫn thực hiện việc quyết toán vốn Nhà nước tại TCT Sông Đà.
Theo tìm hiểu của PV được biết, trong tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã lập đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với TCT Sông Đà, trong đó có nội dung liên quan tới việc chậm trễ quyết toán vốn Nhà nước tại TCT này.
Nguyên nhân chậm trễ, theo KTNN, là do TCT Sông Đà đang làm việc với Cục Thuế TP Hà Nội để quyết toán thuế giai đoạn cổ phần hóa theo quy định. Hiện nay Cục Thuế Hà Nội đang xem xét hồ sơ của TCT để thực hiện công tác quyết toán thuế.
Cũng theo KTNN, TCT Sông Đà đã gửi tờ trình, báo cáo cho Bộ Xây dựng về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán giá trị vốn Nhà nước, tiền thu từ cổ phần, chi phí cổ phần hóa, kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư và hiện Bộ Xây dựng đang xem xét hồ sơ thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Việc chậm trễ này, theo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm và cần khẩn trương hoàn tất việc quyết toán vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của TCT Sông Đà.
Ngoài ra, Bộ này còn đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện các kiến nghị của KTNN về nộp lợi nhuận còn lại phải nộp vào ngân sách (73,47 tỷ đồng), nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khoản chênh lệch vốn Nhà nước tăng từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển thành CTCP sau khi trừ các khoản chi theo đúng quy định và các khoản lãi phát sinh do chậm nộp.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn. Việc thực hiện tái cơ cấu lại các khoản đã đầu tư không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính và đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực không được đầu tư, góp vốn theo quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của CTCP Thủy điện Nậm Chiến, CTCP Điện Việt Lào, CTCP Sông Đà 3... để có các giải pháp kịp thời.