Xin Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết hiện nay thiết bị GSHT đang được quy định tại các văn bản pháp luật nào? Đảm bảo tiêu chuẩn nào? Đây là thiết bị ngành hay là công cụ quản lý chung của Nhà nước trong lĩnh vực giao thông?
- Thiết bị GSHT đang được quy định tại các văn bản sau:
+ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
+ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
+ Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
+ Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP: “Thông tin từ thiết bị GSHT của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra khi có yêu cầu”.
Như vậy, đây là thiết bị phục vụ công tác quản lý vận tải của đơn vị vận tải và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
TCĐB đã xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm giao thông qua thiết bị GSHT?
- Trong tháng 4/2018 trên toàn quốc đã xử lý vi phạm đối với 191 xe; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng với 182 xe; từ chối cấp phù hiệu chín xe. Luỹ kế đến hết tháng 4/2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 1.395 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến thời hạn một tháng là 1.103 xe; thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải ba đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 289 xe.
Kết quả tốc độ do thiết bị GSHT ghi nhận có được xem là căn cứ để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông hay không? Nếu có thì đóng vai trò thế nào?
- Thiết bị GSHT không nằm trong danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP. Do vậy kết quả tốc độ do thiết bị GSHT ghi nhận không phải là căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nhưng là căn cứ để cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Việc xử lý này đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế các hành vi vi phạm tốc độ của các phương tiện kinh doanh vận tải trong thời gian qua, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
Bạn đọc phản ảnh khi bị CSGT “phạt nguội”, họ đưa kết quả tốc độ do thiết bị GSHT ghi nhận ra để giải thích, khiếu nại với lực lượng CSGT nhưng không được chấp nhận, được trả lời kết quả tốc độ do thiết bị GSHT ghi nhận chỉ có giá trị tham khảo. Đề nghị TCĐB cho biết quan điểm bởi đây là thiết bị được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng lại bị cho không có giá trị khi thắc mắc, khiếu nại?
- Thiết bị GSHT không nằm trong danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính nên không phải đáp ứng các quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như được quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP và vì vậy, kết quả tốc độ do thiết bị GSHT ghi nhận không phải là căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Trước đó, trả lời Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm việc lực lượng CSGT xử phạt lỗi tốc độ là tức thời, theo cùng chuyến xe, trong một hành trình. Còn Tổng cục Đường bộ tích hợp thành hàng tháng, hàng quý và “phạt” theo hình thức tước phù hiệu, tạm đình chỉ khai thác tuyến. Dù khác nhau về hình thức nhưng bản chất đều là xử phạt, cùng một hành vi vi phạm bị xử lý hai lần phạt.
Và nếu trả lời như Tổng cục ĐBVN, thiết bị GSHT không phải là căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ nhưng là căn cứ xử lý theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT, vậy nội dung hai văn bản pháp luật này liệu có “vênh” nhau (?).