Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp với Lạng Sơn xử lí nhiều “điểm đen” giao thông

(PLVN) - Trong chuyến công tác mới đây đến Lạng Sơn, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với Lạng Sơn để xử lí các “điểm đen” giao thông.
Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn Dương Công Vĩ cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện và đoàn công tác xem sơ đồ xử lý "điểm đen" tại QL 4A đoạn qua tỉnh Lạng Sơn.
Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn Dương Công Vĩ cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện và đoàn công tác xem sơ đồ xử lý "điểm đen" tại QL 4A đoạn qua tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, các đường quốc lộ do Tổng cục Đường bộ quản lý có những “điểm đen” giao thông cần được khắc phục. Trong chuyến công tác mới đây đến Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, đơn vị này đã và đang phối hợp với Lạng Sơn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các “điểm đen” giao thông, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lạng Sơn, hiện đơn vị này được Tổng cục Đường bộ ủy thác quản lý 6 đoạn tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 459 km, UBND tỉnh giao quản lý 23 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 725 km; 112 km đường tuần tra biên giới và 156 km đường đô thị.

Đề xuất với đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ, lãnh đạo Sở GTVT Lạng Sơn mong muốn tái khởi động 2 dự án trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt đầu tư nhưng dừng thực hiện theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011. Đó là Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn thị trấn Thất Khê - Cửa khẩu Nà Nưa và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 (Hữu Sản - Bản Chắt).

Theo Sở GTVT Lạng Sơn, giai đoạn trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn từ thị trấn Thất Khê đến cửa khẩu Nà Nưa trên Quốc lộ 3B với chiều dài khoảng 24 km và đoạn từ Km110 đến thị trấn Đình Lập trên Quốc lộ 31 với chiều dài khoảng 20 km để phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu, đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến Quốc lộ 3B và tuyến Quốc lộ 31 là những tuyến đường huyết mạch, trực tiếp thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa ba tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang. Do không có nguồn vốn đầu tư nên mặc dù 2 dự án đã được phê duyệt đầu tư nhưng phải tạm dừng từ năm 2011. Hiện nay, đoạn tuyến cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư; đoạn tuyến cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đang được địa phương này triển khai thực hiện. Với tỉnh Lạng Sơn, do nguồn vốn ngân sách của địa phương này hạn chế nên không thể cân đối và bố trí vốn đầu tư 2 đoạn tuyến này được.

UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Bộ GTVT bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương ưu tiên đầu tư 2 đoạn tuyến này trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn 800 tỷ đồng. Trong đó, 650 tỷ đồng đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn thị trấn Thất Khê - Cửa khẩu Nà Nưa (khoảng 24 km); 150 tỷ đồng cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Hữu Sản - Bản Chắt (khoảng 20 km).

Khảo sát thực địa của Đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ ngày 1/3/2021 cho thấy, mặc dù đã được tỉnh Lạng Sơn và Bộ GTVT quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhưng trên 2 đoạn tuyến Quốc lộ 3B và Quốc lộ 31 qua địa phận tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tiềm ẩn nhiều “điểm đen”, có nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, việc đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp 2 đoạn tuyến quốc lộ qua tỉnh Lạng Sơn cũng như kịp thời sửa chữa định kỳ và đột xuất các điểm đen sẽ tăng cường an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo lưu thông, thông thương hàng hóa thuận lợi giữa các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, tại buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Lạng Sơn cũng đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Km184 - Km229 Quốc lộ 279 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi. Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn dài 83,5 km, trong đó đoạn Km143+500 - Km183 đã được đầu tư xây dựng quy mô đường cấp IV miền núi; đoạn Km184 - Km229 có quy mô đường cấp V miền núi còn nhiều đèo dốc quanh co, nhiều vị trí có bán kính nhỏ, khuất tầm nhìn rất nguy hiểm cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông.

Đọc thêm