Tổng Cục đường bộ Việt Nam nóng vội yêu cầu dừng thu phí, gây mâu thuẫn giữa người dân và nhà đầu tư BOT

(PLVN) - Như Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, chiều 5/7/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đột ngột gửi thông báo sẽ cho tạm dừng thu phí 3 trạm BOT gồm Bắc Hải Vân, Cam Thịnh và Cần Thơ - Phụng Hiệp do “chậm trễ triển khai ký kết thu phí tự động không dừng – ETC”. Trong khi người trong cuộc là các nhà đầu chưa hiểu đầu đuôi sự việc, thì nhiều trang mạng xã hội, fanpage fakebook đã dậy sóng thông báo “từ mai đi xe... miễn phí”.


Tổng Cục đường bộ Việt Nam nóng vội yêu cầu dừng thu phí, gây mâu thuẫn giữa người dân và nhà đầu tư BOT

Các nhà đầu tư đều cho rằng, thông báo mệnh lệnh, thiếu sự xem xét thấu đáo các vấn đề pháp lý liên quan của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không chỉ gây bất ổn và xáo trộn hoạt động của các trạm thu phí, gây bức xúc cho các nhà đầu tư mà còn khiến cho chính Bộ GTVT cũng phải vất vả với những cuộc họp căng thẳng không đáng có cùng các nhà đầu tư; buộc Bộ GTVT phải ban hành một văn bản khác vào ngày 9/7, yêu cầu nghị Tổng Cục đường bộ không được thực hiện việc dừng thu phí tại các trạm BOT như thông báo trước đó.

“Trong khi câu chuyện tổng thể về BOT đang nhận được sự quan tâm lớn, cái cớ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng kích động, thì cách thức triển khai công việc kiểu “mệnh lệnh” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam  được cho là tiềm ẩn thúc đẩy nguy cơ bất ổn xã hội”, đại diện một nhà đầu tư bức xúc phản ánh với PV Pháp luật Việt Nam.

Cho rằng cách làm của Tổng Cục đường bộ mang tính ép buộc, thậm chí vi phạm hiến pháp và pháp luật về đầu tư và dân sự, một số nhà đầu tư liên quan đã rất bức xúc và đồng loạt lên tiếng. Ông Phạm Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Công ty Phước Tượng, Phú Gia BOT trong chiều hôm đó sửng sốt trước thông tin khắp mặt báo dẫn nội dung văn bản yêu cầu của Tổng Cục đường bộ là dừng thu phí trạm BOT Cam Thịnh vì lý do chậm ký kết thực hiện thu phí không dừng và khẳng định “chúng tôi chưa hề nhận được thông tin từ phía Tổng Cục đường bộ Việt Nam”.

Nói về chủ trương triển khai thu phí không dừng, Tổng Giám đốc BOT Phước Tượng, Phú Gia cho biết, chúng tôi rất ủng hộ và trên thực tế đang tích tực hợp tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý để ký hợp đồng.

Với cách triển khai thu phí không dừng như hiện nay, nội dung phụ lục hợp đồng bộc lộ nhiều sai sót về pháp lý, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký với nhà đầu tư khi chưa đàm phán thống nhất với họ đã vội vàng thực hiện.

Đây là “việc có liên quan đến nhiều bên, trong đó có ngân hàng”, cho nên ông Vượng cho rằng, Tổng Cục đường bộ Việt Nam cần có sự thống nhất với nhà đầu tư trước khi thực hiện.

Ngay sau khi Tổng Cục đường bộ Việt Nam thông báo sẽ cho tạm dừng thu phí 3 trạm, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã nêu quan điểm của mình trước công luận, khẳng định, luôn ủng hộ việc triển khai thu phí tự động không dừng, một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Nhưng không đồng tình cách triển khai của Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

Hiệp hội VARSI cho rằng, việc triển khai có nhiều nội dung trái với các quy định Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và trái với các thỏa thuận hợp pháp tại các hợp đồng BOT, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư và các bên có liên quan, gây hoang mang, làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách pháp luật của Nhà nước và gây rủi ro của môi trường đầu tư, kinh doanh hiện tại.

Các nhà đầu tư đều bức xúc khẳng định, Tổng Cục đường bộ không phải là bên A trong các hợp đồng dự án BOT đã ký giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư. Liệu Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện có thật sự khách quan khi cho phép mình cho rằng 3 năm vừa qua là quãng thời gian dài cho doanh nghiệp chuẩn bị thu phí không dừng?

Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng ETC và yêu cầu các doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh nội dung này (bao gồm cả việc ấn định % doanh thu phải trích lại từ doanh thu cho đơn vị vận hành ETC) đang có nhiều vướng mắc.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Đầu tư 194 cho rằng, việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ, Công ty đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu giá sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng với Công ty VETC. Trong đó, chi phí dịch vụ quản lý thu phí tự động không dừng bằng 50% chi phí quản lý trong hợp đồng BOT (tương đương 2.15% doanh thu).

Hiện nay, Công ty VETC đã lắp đặt xong và đang vận hành từ ngày 06/4/2018. “Chúng tôi khẳng định đã thực hiện tốt thu phí theo hình thức tự động không dừng từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT, triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng với chi phí quản lý phải nộp cho VETC đột ngột đội lên đến tỷ lệ 4.5% doanh thu, tương đương 369 tỷ, đại diện Công ty 194 chỉ ra yêu cầu vô lý.

Tại các cuộc họp đàm phán thương thảo với Tổng Cục đường bộ, Nhà đầu tư 194 cũng đã đề nghị làm rõ cụ thể chi phí quản lý thu, chi phí đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí không dừng và nêu rõ phương án tài chính, thời gian hoàn vốn, nhưng đến nay Tổng Cục đường bộ Việt Nam vẫn chưa làm rõ.

Việc ký phụ lục hợp đồng theo yêu cầu của Bộ GTVT sẽ làm tăng chi phí hợp đồng đã ký với VETC từ 2.15% lên 4.5% doanh thu và làm phát sinh kéo dài thêm thời gian thu phí của dự án khoảng 1 năm 07 tháng so với phương án tài chính hợp đồng BOT. Việc kéo dài thời gian thu phí khiến các chỉ tiêu tài chính tăng theo (lãi suất, chi phí quản lý) và rõ ràng, thiệt hại đó người dân vẫn là đối tượng phải “oan ức” gánh chịu.

“Trong khi các bên đang trong quá trình đàm phán thương thảo và đề nghị làm rõ các chi phí liên quan để ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT thì Tổng cục đường bộ Việt Nam ra thông báo dừng thu phí. Thật không thể hiểu nổi cách làm như ra lệnh, áp đặt như vậy”, đại diện Công ty 194 nói. 

Chủ trương “thu phí không dừng” tạo sự minh bạch, để nhân dân có thể dễ dàng tham gia giám sát hoạt động các trạm BOT.  Nhưng, “sẽ như thế nào nếu một bộ phận người dân lấy cớ từ thông báo đơn phương của Tổng Cục đường bộ Việt Nam để gây rối tại các trạm thu phí nói trên. Việc điều chỉnh giá phí theo phương án tài chính đã được ký giữa Bộ GTVT và các Nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến không một ngân hàng nào muốn cho vay BOT, nay Tổng Cục đường bộ Việt Nam và cơ quan chủ quản là Bộ GTVT đã  không cùng nhau tháo gỡ, làm cho hoạt động đầu tư BOT tốt lên, thì thiết nghĩ rằng, cũng đừng tạo thêm mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với người dân”, vị lãnh đạo VARSI bày tỏ băn khoăn.

Đọc thêm