Tổng cục Hải quan: Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đặt ra những thách thức nhất định trong quản lý hải quan với lĩnh vực này, trong đó có việc thu thuế giá trị gia tăng (GTGT, VAT) đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ qua hoạt động thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Quang Hùng (đại diện Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan) chia sẻ về đề xuất thu thuế GTGT đối với đơn hàng giá trị nhỏ. (Ảnh: H.Giang).
Ông Nguyễn Quang Hùng (đại diện Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan) chia sẻ về đề xuất thu thuế GTGT đối với đơn hàng giá trị nhỏ. (Ảnh: H.Giang).

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hải quan về thương mại điện tử

Đây cũng là một trong số 12 nội dung làm việc của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức từ 4 - 6/6. Thông tin về Hội nghị này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tại Hội nghị ADGCM lần thứ 33, đại diện cơ quan Hải quan các nước trong khu vực sẽ tập trung chia sẻ các kinh nghiệm về quản lý hải quan đối với thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt là nêu giải pháp, cách quản lý để phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực đang bùng nổ này.

Hải quan ASEAN sẽ đề xuất các nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý hải quan đối với TMĐT cụ thể tại các nước để các nước thành viên trong khu vực ASEAN tham khảo, học hỏi. Từ những kinh nghiệm đó, Hải quan Việt Nam sẽ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ Việt Nam ban hành các quy định phù hợp nhất về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) qua hoạt động TMĐT.

Chia sẻ cụ thể hơn về định hướng xây dựng chính sách quản lý thuế đối với hàng hóa NK có giá trị nhỏ qua hoạt động TMĐT, ông Nguyễn Quang Hùng, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan cho biết, đây là nội dung Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, đã và đang chỉ đạo Hải quan Việt Nam nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện chính sách thuế nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển hoạt động TMĐT nhưng không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Đại diện Cục Thuế XNK nêu rõ, theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hàng NK giá trị dưới 1 triệu đồng giao dịch qua hoạt động TMĐT (gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh) được miễn thuế NK và miễn thuế GTGT.

Tránh thất thu cho ngân sách

Tuy nhiên, vừa qua có nhiều ý kiến đề xuất cần phải nghiên cứu và áp dụng mức giá trị hàng hóa được miễn thuế NK phù hợp với thực tế để bảo đảm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, hiện tại Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cụ thể vấn đề này.

Cơ quan Hải quan (cơ quan đầu mối nghiên cứu và đề xuất chính sách, quy định về thuế đối với hàng hóa XNK) xác định, TMĐT phát triển sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên, nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nhất là quản lý thuế của cơ quan Hải quan. Để bảo đảm các quy định tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam cũng như tương thích với các điều ước, hiệp định... quốc tế, cơ quan soạn thảo đang cân nhắc kỹ lưỡng các quy định đối với chính sách thuế.

Trong đó, khi một lĩnh vực phát triển mạnh thì trước khi ban hành quy định cần phải có quá trình nghiên cứu, thu thập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới để bảo đảm mục tiêu vừa tạo thuận lợi nhưng không làm thất thu thuế cho Nhà nước và hướng người khai hải quan, DN tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng pháp luật. Cụ thể, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa NK giao dịch qua TMĐT có trị giá khai báo hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống sẽ phải nộp thuế GTGT.

Cũng theo đại diện Cục Thuế XNK, sau khi nghiên cứu xây dựng dự thảo và báo cáo, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phối hợp đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực về việc thu thuế GTGT đối với các đơn hàng có giá trị từ 2 triệu trở xuống khi NK qua TMĐT.

Trước đó, tại phiên họp tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi. Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ NK không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới và xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch hàng giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn số liệu của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) cho thấy tại thời điểm tháng 3/2023, trung bình mỗi ngày có 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong đó, giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100 - 300 nghìn đồng. Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiktok... khoảng 45 - 63 triệu USD và một tháng là 1,3 - 1,9 tỷ USD.

Ngoài ra, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng NK giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và NK. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cũng cân nhắc bỏ quy định này, tức không miễn thuế GTGT với hàng NK giá trị nhỏ qua kênh TMĐT xuyên biên giới. Việc này sẽ tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Đọc thêm