Tổng hợp tình hình dịch Covid-19 đến sáng 17/3: 7.139 ca tử vong, Mỹ bắt đầu thử vắc-xin COVID trên người

(PLVN) -Trong vòng 24h qua, dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành tại châu Âu, khiến số người mắc bệnh và tử vong tăng lên bàng hoàng sau mỗi giờ. Tại Mỹ, vắc-xin ngừa COVID bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng, trong khi bang đầu tiên đã áp đặt lệnh giới nghiêm và chính quyền đang thảo luận đề xuất áp đặt giới nghiêm trên toàn quốc.

Tính đến 6h ngày 17/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận hơn 182.204 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và số ca tử vong đã lên tới 7.139 người. Dịch bệnh lây lan tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số ca mắc COVID-19 của các nước còn lại trên thế giới đã vượt xa tổng số ca nhiễm ghi nhận tại Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát dịch. 

Với 2.158 ca tử vong và 27.980 người nhiễm bệnh, Italy đang là "ổ dịch" lớn nhất trên thế giới, là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Italy đã lên mức 77 người/1.000 ca nhiễm, gần gấp đôi so với mức 39,7 của Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với mức 56,9 người/1.000 ca nhiễm của Iran. Một điểm khác biệt là độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong và dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy rất cao, lên tới 79,4 tuổi.

Chú thích ảnh
Kiến trúc sư bậc thầy người Italy Vittorio Gregotti, người thiết kế sân vận động Olympic mùa Hè 1992 ở Barcelona, đã qua đời ngày 15/3 do mắc bệnh COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận đề xuất áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Kênh CNN cho biết, đã có những cuộc thảo luận tích cực trong nội bộ Nhà Trắng nhằm thúc đẩy một lệnh giới nghiêm, theo đó những hoạt động kinh doanh không thiết yếu như trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán bar... được khuyến khích đóng cửa vào một giờ nhất định hằng đêm. Các cửa hiệu tạp hóa và hiệu thuốc có thể được miễn trừ khỏi lệnh này. Trong khi đó, New Jersey đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban bố lệnh giới nghiệm, hạn chế hoạt động đi lại từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.

Theo AP, Tổng thống Trump ngày 16/3 (rạng sáng 17/3 theo giờ VN) tuyên bố đại dịch COVID có thể chấm dứt tại Mỹ vào tháng 7 hoặc 8 "nếu chúng ta làm thực sự tốt".  Ông thúc giục người dân Mỹ tạm ngừng hầu hết các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ tập nhóm hơn 10 người. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các quan chức liên quan đã thảo luận về các hạn chế đi lại trong nước, đồng thời khẳng định chưa cân nhắc tiến hành phong tỏa toàn quốc tại thời điểm này, mặc dù một số khu vực nhất định có thể áp dụng các biện pháp như vậy. Bản thân Tổng thống Trump tự đánh giá cho mình "điểm 10" khi được đề nghị tự đánh giá về phản ứng với dịch COVID-19.

Cùng ngày 16/3, "cơn bão" COVID đã khiến thị trường chứng khoán New York tự động "ngắt" giao dịch trong 15 phút khi chỉ số S&P 500 lao dốc 9,76% do những lo ngại ngày càng tăng về thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho kinh tế toàn cầu. Khó khăn kinh tế cũng đã khiến các hãng hàng không Mỹ đang đề nghị một gói cứu trợ từ chính phủ trị giá 50 tỉ USD, gồm các khoản vay, ưu đãi, giãn thuế...

Chú thích ảnh
Một nhà hát ở New York, Mỹ đóng cửa ngày 15/3. Ảnh: THX/TTXVN

"Bóng ma" COVID đang đe dọa hủy bỏ nhiều sự kiện vận động tranh cử lớn của các ứng cử viên Dân chủ cũng như đương kim Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đội ngũ chiến dịch của ông Trump đang chuẩn bị cho các sự kiện vận động mùa dịch thông qua "các công cụ chiến dịch ảo và kỹ thuật số chưa từng có", nhằm tổ chức các sự kiện "ảo". Hiện tại toàn bộ nhân viên tại tổng hành dinh chiến dịch của ông Trump ở Northern Virginia đã được yêu cầu làm việc từ nhà trong thời gian văn phòng được khử trùng. 

Một trong những điểm sáng tại Mỹ giữa cơn đại dịch là nước này ngày 16/3 tuyên bố đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 trên người nhằm đánh giá tác dụng của một "ứng cử viên" vaccine phòng virus SARS-CoV-2. Chương trình thử nghiệm lâm sàng diễn ra tại thành phố Seattle trong thời gian khoảng 6 tuần. Bên cạnh đó, nhà sản xuất dược phẩm Regeneron của Mỹ và tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi cùng ngày tuyên bố đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc mới dành cho những bệnh nhân COVID nặng. 

Chú thích ảnh
Giao dịch viên theo dõi chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch New York, Mỹ ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn Boeing kêu gọi nhân viên làm việc từ nhà, nhưng khẳng định vẫn tiếp tục sản xuất máy bay. Trong khi đó, người khổng lồ Amazon cho biết đang tuyển thêm 100.000 nhân viên để đáp ứng nhu cầu đặt hàng online tăng vọt trong mùa dịch.

Tại nước láng giềng Canada, Thủ tướng Justin Trudeau rạng sáng 17/3 (theo giờ VN) tuyên bố  nước này sẽ đóng cửa toàn bộ các đường biên giới với công dân nước ngoài. Theo ông Trudeau, sẽ có những ngoại lệ dành cho các phi công, nhà ngoại giao và công dân Mỹ, mặc dù ngoại lệ này có thể thay đổi. Canada hiện ghi nhận 375 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và một bệnh nhân đã tử vong.

Tuyên bố nói trên được Thủ tướng Trudeau đưa ra sau khi nhiều quốc gia châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Ailen, Nga đã áp dụng chính sách tương tự nhằm ngăn chặn làn sóng tấn công nguy hiểm của dịch COVID-19.

Tại Tây Ban Nha, điểm nóng dịch lớn thứ hai ở châu Âu, số ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng đang tăng mạnh lên đến 9.942 người, thêm 1.954 ca trong vòng 24 giờ, trong khi số người tử vong là 342 bệnh nhân.  

Tại Pháp, trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm hơn 1.200 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 6.633 ca và 148 người đã tử vong. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 16/3 đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Ông Macron cho rằng, nước Pháp “đang ở trong tình trạng chiến tranh”, đối mặt với kẻ thù “vô hình, khó nắm bắt”. Ông tuyên bố, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Vòng 2 của cuộc bầu cử địa phương, dự kiến diễn ra ngày 22/3, sẽ được hoãn. 

Bỉ cũng ghi nhận 197 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số lên 1.058 ca, trong đó 10 người tử vong. Bắt đầu từ ngày 14/3, Bỉ đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp cho các bệnh viện, theo đó, những đơn vị này ngừng vô thời hạn các ca tư vấn, thăm khám và phẫu thuật không khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Các phương tiện giao thông ùn tắc tại cửa khẩu Nickelsdorf/Hegyeshalom giữa Hungary và Áo, ngày 14/3 trước khi Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Thụy Sỹ đã hủy phiên họp Quốc hội trong bối cảnh Chính phủ nước này triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có dấu hiệu nguy cấp tại nước này khi chỉ trong 1 ngày, tổng số ca nhiễm virus SARC-CoV-2 mới tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein tăng 50%, lên 2.353 ca. Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định đóng cửa các trường học trên cả nước, nghiêm cấm mọi sự kiện tụ tập, hội họp...

Tại Đức, Tổng thống Steinmeier đã nêu 3 nhiệm vụ cần làm hiện nay để ứng phó với dịch bệnh, trong đó nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2, không để hệ thống y tế Đức quá tải với những ca nhiễm mới đang ngày càng gia tăng. Nhiệm vụ thứ hai là có những biện pháp để đưa nền kinh tế Đức vượt qua những hậu quả về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Và nhiệm vụ thứ ba là gắn kết châu Âu. Đến nay, trên cả nước Đức ghi nhận 7.241 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 15 trường hợp tử vong. Đức cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ.  Trước Đức, các nước châu Âu  khác như Ba Lan, CH Séc, Serbia, Hungary... cũng đã đóng cửa biên giới hoặc áp dụng biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới ở mức tối đa.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Đức kiểm tra hành trình của lái xe tại Oberaudorf, giáp giới Áo trong bối cảnh Berlin áp đặt lệnh kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người. Theo một số nguồn tin được truyền thông sở tại đăng tải, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm só43c trong 4 tháng. Hiện đã có tổng cộng 55 ca tử vong do dịch COVID-19 tại Anh trong số 1.5 ca nhiễm. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng tại nhà ga xe buýt ở Tbilisi, Gruzia ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, trong ngày 16/3, Trung Quốc thông báo sẽ rút dần các nhân viên y tế ra khỏi tỉnh Hồ Bắc (Hubei), nơi từng là tâm điểm bùng phát và lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, quyết định trên được đưa ra tại cuộc  họp của nhóm làm việc dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bối cảnh Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) trước đó cùng ngày thông báo tỉnh Hồ Bắc chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong ngày 15/3, thấp hơn nhiều con số 14 ca ghi nhận trước đó một ngày. Tuy nhiên, cuộc họp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới là người từ nước ngoài vào Trung Quốc gây khó cho nước này trong nỗ lực chấm dứt dịch bệnh.

Tại Hàn Quốc, mặc dù số ca mắc COVID-19 vẫn đang có chiều hướng giảm (chỉ có  thêm 75 ca mắc mới), Tổng thống  Moon Jae-in tuyên bố nước này đang phải đối mặt với giai đoạn mới cực kỳ quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Trong khi hai “ổ dịch” chính là thành phố Daegu, cách Seoul 300 km về phía Đông Nam và tỉnh Bắc Gyeongsang gần đó, đã có số lượng ca nhiễm mới giảm liên tục trong vài ngày qua, cơ quan chức năng Hàn Quốc lại phát hiện một số “ổ lây nhiễm lớn” tại khu vực thủ đô Seoul, đặc biệt tập trung tại một tổng đài điện thoại, một quán cà phê Internet, nhà thờ và bệnh viện. 

Chú thích ảnh
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng công nghiệp Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 30 năm. Trong ảnh: Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân ngày 9/3. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Iran số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 129, nâng tổng số người chết vì dịch lên 853 bệnh nhân và 14.991 người nhiễm virus. Ngày 16/3, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này đang đối phó với tình trạng bùng phát dịch COVID-19. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc việc Mỹ duy trì lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến công tác chống dịch COVID-19 của nước này, đồng thời khiến kinh tế Iran thiệt trực tiếp tới 200 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 2 năm.

Trong ngày 15/3, nhóm hành khách và thủy thủ đoàn cuối cùng trên du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đã được trở về nhà sau thời gian cách ly. Như vậy, đến ngày 16/3, không còn ai trên du thuyền này thuộc diện cách ly. Trong khi đó, tính đến 6h sáng 17/3, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 895 người mắc bệnh COVID-19,  số ca tử vong ở Nhật Bản hiện là 32 người (bao gồm cả những người trên du thuyền Diamond Princess).

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đang trở thành "ổ dịch" khi nước này ghi nhận thêm 138 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này tới nay lên 566 người. Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 17 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 243 trường hợp. Đây cũng là con số tăng mạnh nhất trong một ngày tại Singapore. Trong số các trường hợp nhiễm mới, có 11 người là từ nước ngoài về.

Tại Thái Lan, chính quyền nước này đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm mắc COVID-19 tại đây lên 147 người. Đây cũng là số ca tăng mạnh nhất trong một ngày tại Thái Lan. Indonesia cũng phát hiện thêm 17 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 134 người, trong đó có 5 ca tử vong.

Trong ngày 16/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Philippines, Thượng nghị sỹ Juan Miguel Zubiri cho biết ông đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Zubiri nằm trong số các nghị sỹ và thành viên Nội các Philippines quyết định tự cách ly hồi tuần trước do nghi ngờ có tiếp xúc với một người mắc bệnh COVID-19, người này đã từng được mời tới tham gia phiên điều trần tại Thượng viện. Như vậy, cho đến nay, Philippines ghi nhận 141 ca mắc COVID-19, với 12 người tử vong.

Tại châu Phi, trong ngày 16/3, đã có thêm Tanzania, Somalia, Liberia và Benin thông báo về các ca đầu tiên mắc COVID-19. Như vậy, hiện đã có khoảng 31 nước tại châu Phi xuất hiện các ca mắc bệnh.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Medical News Today/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Tổ chức Y tế thế giới ngày 16/3 cho biết họ đã chuyển gần 1,5 triệu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 120 quốc gia. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm virus và cứu sống bệnh nhân là phá vỡ chuỗi lây truyền, và để làm điều đó bạn phải xét nghiệm và cách ly. Chúng ta không thể bịt mắt chữa cháy, không thể ngăn chặn đại dịch này nếu chúng ta không biết ai bị nhiễm. Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho tất cả các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm".

Đọc thêm