Đó là đánh giá chung tại Hội nghị của TP.Hà Nội tổng kết công tác Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 (ngày 23/11/2012) của Quốc hội, diễn ra hôm 4/8.
Thừa phát lại giúp giảm tải công việc cho các cơ quan THADS
Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại, nghiêm túc và thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động này.
“Thành công đầu tiên là tại Hà Nội 8 văn phòng thừa phát lại được thành lập trong vòng 17 tháng, nhận được sự hưởng ứng của người dân và xã hội, thể hiện sự yêu nghề, hiểu nghề và tính kiên trì của cán bộ trong hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại” – Phó Chủ tịch UBND TP nhận xét.
Theo Cục THADS TP, sau thời gian triển khai, thực hiện bước đầu đã khẳng định thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là phù hợp, cần thiết cho xã hội, cho hoạt động Tư pháp nói chung và cho hoạt động THADS nói riêng khi góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan THADS.
Với những kết quả đã đạt được về tổ chức và hoạt động của những Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP có thể khẳng định việc thí điểm chế định Thừa phát lại đã có những thành công bước đầu, mô hình Thừa phát lại phù hợp, cần thiết cho xã hội, cần thiết cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ. Bước đầu đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, những mặt làm được thì một trong những mong muốn về hoạt động của Thừa phát lại liên quan đến THA nhưng các cơ quan chức năng liên quan đều cho rằng, qua việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần nhân cao nhận thức đối với cơ quan nhà nước và người dân trên địa bàn về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước cũng như công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, THADS theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách Tư pháp.
Chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của các đương sự trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. trong đó, Việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan THADS của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện khi yêu cầu THA.
Dưới góc độ xã hội, hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và bước đầu xã hội hóa hoạt động THA, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Đối với hoạt động tư pháp, hoạt động Thừa pháp lại đã bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp đặc biệt là của Tòa án và cơ quan THADS trong việc tống đạt văn bản.
Đánh giá cao hiệu quả của các hoạt động thừa phát lại trên địa bàn TP, Phó Chánh án TAND TP Tạ Quốc Hùng cho biết, các văn phòng thừa phát lại đã phối hợp chặt chẽ với TAND TP, phần lớn đáp ứng được việc tống đạt văn bản theo đúng hướng dẫn, đảm bảo được thời gian và quy định của pháp luật.
Từ vai trò, tác động của việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP cho thấy, mô hình này là cần thiết cho xã hội nói chung và cho hoạt tư pháp, cho người dân nói riêng. Hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động THADS theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Mở rộng quyền tổ chức THA đối với Văn phòng thừa phát lại
Để tăng cường hiệu quả của hoạt động thừa phát lại trong thời gian tới, Cục THADS TP đề nghị mở rộng quyền tổ chức THA đối với Văn phòng thừa phát lại; thống nhất cách tính phí tống đạt để dễ dàng áp dụng cho các cơ quan THADS, tránh thiệt thòi đối với Văn phòng.
Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, kịp thời phát hiện những vi phạm, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, chỉ đạo kịp thời; Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn các vụ việc do các Văn phòng trực tiếp tổ chức thi hành.
Hướng dẫn rõ hơn đối với chi phí tống đạt người phải THA phải chịu của hồ sơ theo đơn (việc không thu được, việc được xếp hồ sơ xong khi không thu được chi phí tống đạt); chi phí tống đạt cho nhiều người nhưng cùng một địa chỉ, cùng thời điểm (Theo công văn số 138 của Tòa án không rõ).
Các Văn phòng Thừa phát lại cần nâng cao năng lực về lực lượng, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng quy trình tống đạt văn bản chặt chẽ và hướng dẫn cho Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại về trình tự, thủ tục tống đạt để đảm bảo đúng thời hạn, chặt chẽ, đúng quy định về thủ tục tống đạt văn bản. Nâng cao năng lực chuyên môn trong xác minh và tổ chức THA.
Đồng thời, đưa chế định Thừa phát lại vào hoạt động chính thức. Hoàn thiện chế định Thừa phát lại, cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn về một số nội dung về khó khăn, vướng mắc nêu trên. Nghiên cứu xây dựng Luật Thừa phát lại sau khi hết thời gian thí điểm.
Hiện Cục THADS đã chỉ đạo và yêu cầu thực hiện đối với 22/31 đơn vị ký Hợp đồng với các Văn phòng Thừa phát lại.
Từ khi thực hiện 8/2014 đến tháng 6/2015 các cơ quan THA đã chuyển cho 08 Văn phòng Thừa phát lại tống đạt văn bản là 8.889 văn bản.
Tính đến hết tháng 5/2015, vác Văn phòng thừa phát lại đã thụ lý tổ chức THA 15 việc, xác minh điều kiện THA 50 việc. Một số vụ đã xác minh đã được dùng làm căn cứ để cơ quan THA thụ lý đơn, tổ chức thi hành. Về cơ bản việc xác minh đáp ứng được yêu cầu. Một số vụ việc phải xác minh bổ sung để đủ điều kiện.