Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể - động lực để bảo tồn văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, qua đó giúp thành phố xác định ưu tiên bảo vệ loại hình nào trước, đặc biệt là đối với các di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời.
Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể - động lực để bảo tồn văn hóa

Ngày xưa, vào mỗi dịp Tết Trung thu, nam thanh nữ tú của huyện Chương Mỹ lại đốt đuốc kéo nhau ra bờ sông chơi đến hết tháng 8 âm lịch và trong giai đoạn này không thể thiếu những cuộc hát trống quân. Di sản hát trống quân thực chất gắn với Tết Trung thu. Tuy nhiên đã từ lâu lắm, hát trống quân chỉ còn trong trong trí nhớ của một vài cụ già đã bước vào ngưỡng tuổi 80, 90. Điệu hát, câu thơ cũng chỉ được ghi dấu theo cách nửa nhớ, nửa quên.

Hát trống quân - ảnh minh họa

Hát trống quân - ảnh minh họa

Thực tế này kéo dài cho đến khi những nhà nghiên cứu di sản của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa tìm đến nơi, ăn ngủ cùng nghệ nhân mới chợt giật mình về loại hình hát trống quân giàu giá trị về thanh nhạc đã từng tồn tại ở xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và một số huyện khác…

Một dự án nghiên cứu, phục dựng đã được ngành văn hóa Hà Nội đặt ra.Từ năm 2017 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng như: hát trống quân, ca trù, hát dô, hát chèo tàu, hát xẩm, múa rối, múa cồng chiêng, hát chèo...

Đặc biệt, dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại Hà Nội” với sự tham gia của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành công trong việc đưa 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng) lồng ghép vào các môn vật lý và hóa học lớp 8, lớp 9.

Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Con đĩ đánh bồng là một điệu múa cổ độc đáo của Thăng Long xưa

Con đĩ đánh bồng là một điệu múa cổ độc đáo của Thăng Long xưa

Có thể nói với số lượng 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ba di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, một di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, một Di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Hà Nội là địa phương “giàu có” về di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, trước thực tế nhiều di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời do người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản phần lớn tuổi đã cao, môi trường diễn xướng của di sản bị xâm hại, sự chuyển giao di sản bị gián đoạn..., thành phố Hà Nội đang rốt ráo thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, qua đó giúp thành phố xác định ưu tiên bảo vệ loại hình nào trước, đặc biệt là đối với các di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi tổng kiểm kê, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích của các địa phương tăng lên rõ rệt.

Cạnh đó, công tác tư liệu hóa di sản phi vật thể được thành phố thực hiện từ nhiều năm nay để lưu truyền cho thế hệ sau những tư liệu quý về di sản. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được tư liệu hóa như: hát chèo tàu ở huyện Đan Phượng, múa hát Ải Lao ở quận Long Biên, hát trống quân ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Phúc Thọ, kéo co ngồi đến Trấn Vũ và kéo mỏ hội Vua Bà…

Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021- 2025 (ảnh minh họa)

Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021- 2025 (ảnh minh họa)

Các nghệ thuật trình diễn này được ghi đĩa hình, in sách về cách thức trình diễn, các bài hát, điệu múa vừa làm cơ sở giảng dạy, vừa để lưu giữ lâu dài và đưa đi quảng bá tại các sự kiện văn hóa. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thực hiện tư liệu hóa nghệ thuật xẩm, xuất bản sách hát văn cổ.

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch được ban hành sẽ là cơ sở để thực hiện bảo vệ bền vững di sản cho các thế hệ sau.