Tổng thống Biden sẽ không gửi lính Mỹ đến Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay, TASS đưa tin, trong một cuộc họp báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không cử binh sĩ Mỹ đến Ukraine để tham gia vào cuộc xung đột, cũng như không thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Hoa Kỳ đang triển khai quân đội đến các quốc gia NATO ở Đông Âu, nhưng không phải đến Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO. Ảnh: New York Times (ngày 7/2/2022)
Hoa Kỳ đang triển khai quân đội đến các quốc gia NATO ở Đông Âu, nhưng không phải đến Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO. Ảnh: New York Times (ngày 7/2/2022)

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói, "Thiết lập vùng cấm bay và triển khai quân đội sẽ là xung đột trực tiếp và tiềm ẩn xung đột với Nga. Đó là điều chúng tôi không có ý định thực hiện".

Theo CNN, khi công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga hôm 24/2, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ rõ ràng rằng, quân đội Mỹ sẽ không được cử đến Ukraine. Tổng thống Biden nói, "Các lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột". "Các lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi và trấn an các đồng minh đó ở phía đông", ông nói thêm.

Khi tuyên bố đợt trừng phạt đầu tiên chống lại Nga, Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh "Tôi xin nói rõ: Về phía chúng tôi, đây hoàn toàn là những động thái phòng thủ. Chúng tôi không có ý định chống lại Nga".

Đầu tháng 2, ông Biden nói với NBC News rằng ông sẽ không xem xét bất kỳ kịch bản nào bao gồm việc đưa quân đội Mỹ đi sơ tán người Mỹ ở Ukraine. Nhưng Mỹ đã gửi thêm binh lính và máy bay chiến đấu đến các nước Đông Âu bao gồm Ba Lan và Romania trong những tuần gần đây và hôm 24/2 thông báo triển khai thêm 7.000 binh sĩ tới Đức.

CNN cũng đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét điều động thêm lực lượng Mỹ đã có mặt ở châu Âu tới các quốc gia xa hơn về phía đông để bảo vệ các đồng minh, theo một quan chức Mỹ.

"Hôm nay, chúng tôi đã kích hoạt lập trường phòng thủ của NATO, cho phép các chỉ huy quân sự của chúng tôi có thêm quyền điều động lực lượng và triển khai lực lượng khi cần thiết, và tất nhiên đây cũng có thể là yếu tố của lực lượng phản ứng NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cùng ngày. "Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi đang điều chỉnh tư thế của mình nhưng những gì chúng tôi làm là phòng thủ, đo lường và chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu. Chúng tôi muốn ngăn chặn xung đột", Tổng thư ký NATO khẳng định.