Tổng thống Nga tuyên bố công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng ở Donbass

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 22/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Ảnh: TASS

Tuyên bố trên được người đứng đầu Điện Kremlin đưa ra trong bài phát biểu toàn quốc được truyền hình trực tiếp.

Mở đầu bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh “Ukraine không chỉ là một nước láng giềng, mà còn là một phần lịch sử, là những người đồng chí và họ hàng của chúng tôi”.

Tổng thống Putin nêu rõ Hiến pháp hiện nay của Ukraine không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, song chính quyền Kiev đã phớt lờ điều đó khi kêu gọi phương Tây đặt căn cứ; vũ khí phương Tây ngày càng được đưa nhiều tới Ukraine; Mỹ lợi dụng Ukraine và Gruzia để tiến hành chính sách chống Nga và việc Ukraine gia nhập NATO, theo đó vũ khí và binh lính NATO sẽ được triển khai tại nước này, khiến nguy cơ Nga phải hứng chịu một đòn tấn công bất ngờ ngày càng hiện hữu.

Theo ông Putin, mọi đề xuất đảm bảo an ninh mà Moskva đưa ra đều bị phớt lờ; đáp lại đề nghị không mở rộng đường biên giới NATO về phía Đông là việc NATO tuyên bố mọi quốc gia đều có quyền gia nhập bất cứ liên minh nào.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng đó là hành động “kề dao vào cổ Nga”, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của Nga. Tổng thống Putin khẳng định Nga có quyền thực thi những biện pháp đáp trả phù hợp vì an ninh của chính mình.

Tổng thống Putin tuyên bố ký sắc lệnh Nga chính thức công nhận hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR). Ông Putin cùng các nhà lãnh đạo DPR và LPR sẽ ký các thỏa thuận hợp tác và hữu nghị.

Tổng thống Putin cho biết ông cân nhắc việc công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine sau khi lãnh đạo của hai khu vực này đưa ra đề nghị. Ông Putin nói: "Mục đích của chúng tôi là lắng nghe các đồng nghiệp và xác định các bước tới theo hướng này". Trước đó cùng ngày, hai nhà lãnh đạo của DPR và LPR đã gửi thông điệp đề nghị ông Putin công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa này.

Nhà lãnh đạo Nga yêu cầu Quốc hội Liên bang ủng hộ quyết định này và sau đó phê chuẩn các hiệp ước hữu nghị và viện trợ lẫn nhau với cả hai nước cộng hòa. Trong khi công bố quyết định này, Tổng thống đã bày tỏ sự tin tưởng về sự ủng hộ của người dân Nga và tất cả các lực lượng yêu nước trong nước.

Sau đó, ông Putin đã gặp các nhà lãnh đạo DPR và LPR, Denis Pushilin và Leonid Pasechnik, đồng thời ký với họ các hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và viện trợ lẫn nhau giữa Nga và cả hai nước cộng hòa. Buổi lễ được tổ chức tại Hội trường St. Catherine của Điện Kremlin, nơi đăng cai cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga. Tại cuộc họp này, các thành viên của Hội đồng Bảo an đã kêu gọi công nhận tính độc lập của DPR và LPR.

Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin, ngày 15/2, nghị quyết nói trên đã được thông qua với 351 phiếu ủng hộ, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Nghị quyết này do Đảng Cộng sản Nga đề xuất và trình lên Hạ viện Nga hôm 19/1.

Chính phủ Ukraine và nhiều nước phương Tây phản đối việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Ngày 21/2, Đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (EU) tại Liên hợp quốc nói rằng việc Moskva công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk là bước đi sai lầm.

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban châu âu đã gọi quyết định của Nga là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn về vấn đề Ukraine. Đồng thời, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh trừng phạt đối với việc Nga công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Donetsk (LPR và DPR), cấm người Mỹ tài trợ và đầu tư vào DPR và LPR cũng như thương mại với các nước cộng hòa này.

Lệnh hành pháp của Tổng thống Biden cấm "đầu tư mới vào cái gọi là khu vực DNR hoặc LNR của Ukraine hoặc các khu vực khác của Ukraine có thể được xác định bởi Bộ trưởng Tài chính, với sự tham vấn của Bộ trưởng Ngoại giao (gọi chung là" Các khu vực được bảo vệ " ), bởi một người Hoa Kỳ, ở bất kỳ đâu", hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngoài ra, lệnh cấm được đưa ra đối với "việc nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào Hoa Kỳ đối với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ nào từ các Khu vực được bảo vệ" cũng như đối với "việc xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán hoặc cung cấp, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ Hoa Kỳ, hoặc bởi một người Hoa Kỳ, ở bất kỳ nơi nào, của bất kỳ hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ nào đến các Khu vực được Bảo hiểm".

Ngoài ra, lệnh hành pháp còn trao cho chính quyền Hoa Kỳ quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoạt động trong DPR và LPR.

Đọc thêm