Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng trong việc bảo vệ Kazakhstan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng thống Nga Putin tin rằng Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã chứng minh được tiềm năng và khả năng hành động nhanh chóng và hiệu quả trong vụ việc ở Kazakhstan.
Kazakhstan đã treo cờ rủ trong ngày Quốc tang 10/1/2022 để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình lớn do tăng /giá nhiên liệu ở Almaty. Ảnh: Reuters
Kazakhstan đã treo cờ rủ trong ngày Quốc tang 10/1/2022 để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình lớn do tăng /giá nhiên liệu ở Almaty. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai tuyên bố chiến thắng trong việc bảo vệ Kazakhstan khỏi những gì ông mô tả là một cuộc nổi dậy khủng bố do nước ngoài hậu thuẫn và hứa với các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác rằng một liên minh do Moscow dẫn đầu cũng sẽ bảo vệ họ.

"Tổ chức của chúng tôi đã chứng minh được tiềm năng, khả năng hành động nhanh chóng, quyết đoán và hiệu quả", nhà lãnh đạo Nga cho biết tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Tập thể (CSTO) hôm thứ Hai được hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo ông Putin, "mọi đồng minh đều đóng góp vào việc hoàn thành các nhiệm vụ trong nhóm lực lượng CSTO". "CSTO bao gồm các lực lượng từ mọi quốc gia thành viên, không có ngoại lệ, những người đã tích cực thực hiện các hoạt động tác chiến", nhà lãnh đạo Nga nói.

Ông Putin cũng cho rằng, "điều này chỉ ra rằng công việc lâu dài và tỉ mỉ nhằm thiết lập một hệ thống toàn diện về an ninh của các quốc gia thành viên CSTO, bao gồm cả các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể, đã mang lại kết quả".

Lực lượng CTSO và quân đội Kazakhstan đã kiểm soát được tình hình an ninh sau những ngày biểu tình bạo loạn. Ảnh: TASS

Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai, tình hình ở Kazakhstan đã ổn định sau các cuộc bạo động hàng loạt và đang trong tầm kiểm soát.

"Tính đến ngày 10/1, tình hình ở Kazakhstan đã ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. Các trung tâm hoạt động chống khủng bố quốc gia và khu vực đã loại bỏ các điểm nóng của các mối đe dọa khủng bố. Tất cả các tòa nhà hành chính ở các thành phố Almaty, Kyzylorda, Taldykorgan và Taraz đã được an toàn khỏi những kẻ khủng bố", tuyên bố nêu.

Thành phố lớn nhất của Kazakhstan Almaty đã trở lại gần như bình thường vào thứ Hai sau gần một tuần bất ổn, cho đến nay là bạo lực tồi tệ nhất trong lịch sử 30 năm độc lập của nơi từng là quốc gia thuộc Liên Xô cũ ổn định nhất ở Trung Á.

Theo Ủy ban, các cơ sở quan trọng và chiến lược và các địa điểm cất giữ vũ khí đã được đảm bảo an toàn. "Các hoạt động truy quét đang được tiến hành ở những nơi mà các chiến binh và những người tham gia bạo loạn hàng loạt có thể ẩn náu. Các bằng chứng về các hoạt động tội phạm đang được thu thập", tuyên bố cho biết thêm.

Người dân đặt hoa bên ngoài Đại sứ quán Kazakhstan tại Moscow, Nga ngày 10/1/2022 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình lớn gần đây ở Kazakhstan. Ảnh: Reuters

Tuần trước, ông Putin đã cử lính dù đến bảo vệ các cơ sở chiến lược sau khi những người biểu tình chống chính phủ lục soát và đốt phá các tòa nhà công cộng. Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình ở các thành phố trên khắp đất nước.

Reuters đưa tin, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh rằng đất nước của ông đã vượt qua "một âm mưu đảo chính". Ông nói: “Dưới chiêu bài của các cuộc biểu tình tự phát, một làn sóng bất ổn đã nổ ra. Rõ ràng là mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp và nắm quyền".

Ông Tokayev cho biết một hoạt động chống khủng bố quy mô lớn sẽ sớm kết thúc, cùng với một nhiệm vụ CSTO mà ông cho biết là 2.030 binh sĩ và 250 phần khí tài quân sự.

Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố, những kẻ tấn công bao gồm "những cá nhân có kinh nghiệm chiến đấu trong khu vực quân sự trong hàng ngũ các nhóm Hồi giáo cực đoan" mà không cung cấp thông tin chi tiết.

Cả Nga và Kazakhstan đều miêu tả tình trạng bất ổn như một cuộc nổi dậy do nước ngoài hậu thuẫn. Từ lâu, Nga đã đổ lỗi cho phương Tây vì đã kích động cái gọi là "các cuộc cách mạng màu" - các cuộc nổi dậy đã lật đổ chính phủ ở các nước như Gruzia, Ukraine, Kyrgyzstan và Armenia.